Việc Triều Tiên tăng tần suất phóng tên lửa đạn đạo đang gửi đi những tín hiệu nguy hiểm đến Mỹ và phương Tây.
>>Gian nan phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Mới đây, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc thông báo Triều Tiên phóng ít nhất 10 tên lửa các loại về phía Đông và phía Tây. Trong số này, một tên lửa vượt qua ranh giới trên biển, rơi xuống khu vực ngoài khơi cách thành phố Sokcho 57 km về phía Đông Nam và cách đảo Ulleungdo 167 km về phía Bắc.
Quân đội Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên kể từ khi hai miền ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, một tên lửa của Triều Tiên rơi xuống gần lãnh hải của Hàn Quốc. "Đây là sự kiện rất hiếm và không thể dung thứ được", quân đội Hàn Quốc tuyên bố và khẳng định "sẽ hợp tác với Mỹ để nghiêm khắc đáp trả động thái này".
Ngay sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời chỉ trích hoạt động này là "hành vi khiêu khích". Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói "sẽ tổ chức cuộc họp an ninh quốc gia sớm nhất có thể".
Được biết, số lượng tên lửa được Triều Tiên phóng trong năm nay đã lên mức cao nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011.
Việc tăng tốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đã làm dấy lên báo động cho an ninh trong khu vực. Theo đó, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đáp trả bằng các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bằng các cuộc tập trận chung trong tuần này. Mỹ cũng đã tái triển khai một tàu sân bay vào vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Có thể nói, sau khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên bị gián đoạn, hy vọng đạt được một thỏa thuận để Bình Nhưỡng cắt giảm tham vọng hạt nhân của họ đã dần rơi vào bế tắc.
Các chuyên gia cho rằng có một vài lý do khiến Triều Tiên tăng tốc thử nghiệm quá nhanh như hiện nay. Đây là thời điểm thích hợp sau các sự kiện đã xảy ra trong những năm qua, khi ông Kim tuyên bố chiến thắng đại dịch COVID-19 vào tháng 8, và chính quyền mới của Mỹ đang tập trung vào việc thắt chặt mối quan hệ với Hàn Quốc.
>>Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung qua Nhật Bản?
Theo Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin của Hàn Quốc: “Triều Tiên đã không thể tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong một vài năm do những cân nhắc chính trị. Với các cuộc thử nghiệm hạt nhân gần đây, Triều Tiên rất mong muốn đảm bảo khí tài của họ vẫn đang hoạt động tốt".
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, ông Kim Jong-un cũng có thể gửi một thông điệp bằng cách cố tình trưng bày kho vũ khí của Triều Tiên trong thời kỳ xung đột toàn cầu gia tăng. Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ ở Hawaii, đánh giá "Triều Tiên muốn nhắc nhở thế giới rằng không nên bỏ qua họ, rằng họ tồn tại và các chuyên gia quân sự của họ đang làm việc suốt ngày đêm để phát triển các vũ khí hạt nhân".
Ông cũng nói thêm rằng Triều Tiên cũng có thể cảm thấy được khuyến khích để hành động ngay bây giờ khi phương Tây đang bị phân tâm với cuộc chiến ở Ukraine.
"Thông điệp của Triều Tiên đang ngày một rõ ràng hơn, rằng họ có thể đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào mà phương Tây, Mỹ và Hàn Quốc có thể đưa ra", ông Chris Johnstone, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.
Trên thực tế, Mỹ và đồng minh khó có thể ngăn chặn các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên. Trên trường quốc tế, nỗ lực trừng phạt Triều Tiên của Washington cũng đang chững lại do bị Nga và Trung Quốc phản đối.
Có thể bạn quan tâm
Gian nan phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
04:00, 14/10/2022
Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung qua Nhật Bản?
04:00, 05/10/2022
Mỹ- Hàn sắp tập trận, bán đảo Triều Tiên "nóng" trở lại
04:30, 18/08/2022
Nga- Triều Tiên thắt chặt quan hệ, Mỹ có thêm nỗi lo!
04:17, 16/08/2022
Triều Tiên đang làm gì?
10:27, 13/06/2022