Bình luận

Thu thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ

Yến Nhung 08/09/2024 04:30

Trước thực tế thương mại điện tử đang bùng nổ, các chuyên gia cho rằng, cần sớm áp thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để tạo công bằng với hàng sản xuất trong nước, tránh thất thu thuế.

Hiện nay, việc Việt Nam thực hiện quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) với những hàng nhập khẩu nhỏ, lẻ nhằm thực hiện theo Công ước quốc tế Kyoto về đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Theo quy định hiện hành, việc miễn thuế GTGT gắn với miễn thuế nhập khẩu được điều chỉnh bởi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 78/2010 quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tang. Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT theo quy định của pháp luật.

nhung-luu-y-khi-dong-goi(1) (1)
Hiện việc miễn thuế GTGT gắn với miễn thuế nhập khẩu được điều chỉnh bởi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, hiện nay, với ưu điểm giá rẻ, giao hàng nhanh, người tiêu dùng ưa chuộng đặt hàng giá trị nhỏ trên sàn thương mại điện tử từ nước ngoài vào Việt Nam. Cùng với xu hướng của người tiêu dùng, số lượng mặt hàng giá trị dưới 1 triệu đồng/sản phẩm tăng mạnh thời gian qua. Ước tính của các đơn vị vận chuyển, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok... Điều này tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế, cạnh tranh không bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.

Trước thực tế nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây một số quốc gia bắt đầu nghiên cứu và thực hiện việc thu thuế GTGT đối với hàng hóa có trị giá thấp như tại EU từ 1/7/2021 thực hiện thu thuế GTGT đối với các lô hàng từ 22 euro trở xuống (trước đây các lô hàng này được miễn thuế GTGT, tại Singapore từ 1/1/2023 bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa trị giá thấp.

Ngoài ra, tại các cuộc hội thảo, chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến cáo Việt Nam cân nhắc quy định không phải nộp thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp.

Do đó, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ đề nghị bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg tại Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Hiện nay, Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử đã được Bộ Tài chính hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6289 ngày 20/6/2023.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định trong quý IV. Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định còn phụ thuộc tiến độ đầu tư Hệ thống hải quan số. Vì vậy, để thực hiện thu thuế GTGT đối với hàng hóa bưu chính, chuyển phát nhanh theo đúng quy định của Luật thuế GTGT, Tổng cục Hải quan tiếp tục có công văn số 167/TXNK-CST ngày 10/7/2024 đề nghị Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (là đơn vị chủ trì xây dựng Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg) báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg mà không chờ vào tiến độ của Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện điều ước quốc tế (như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao) đối với trách nhiệm của Việt Nam khi thực hiện Công ước Kyoto về không thu thuế hải quan và thuế khác đối với hàng hóa có trị giá tối thiểu và/hoặc số thuế hải quan và thuế khác tối thiểu trong trường hợp bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg.

"Ngành hải quan đã triển khai hải quan điện tử. Do đó, việc thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh không ảnh hưởng đến thời gian, thủ tục thông quan hàng hóa. Hơn nữa, thu thuế hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh là đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước", đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ.

2024_4_11_638484069534584356_shopee-co-giao-hang-chu-nhat-khong-12 (1)
Cần sớm áp thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để tạo công bằng với hàng sản xuất trong nước, tránh thất thu thuế - Ảnh minh họa: ITN

Được biết, trước đó, nhiều chuyên gia đã đề nghị, sớm xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ được vận chuyển theo đường chuyển phát nhanh nhằm tạo sự công bằng với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu được vận chuyển bằng các phương thức khác.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam. Bà Cúc cảnh báo, có tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế, người bán hàng xé nhỏ giá trị đơn hàng còn vài ba trăm nghìn để tránh thuế, tiềm ẩn thất thu thuế.

“Hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Thực tế này tiềm ẩn thất thu ngân sách và gây ra bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước và gây thiệt hại cho người mua hàng. Do đó, cần phải bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống, nhằm đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, ngăn chặn tình trạng thất thu thuế”, bà Cúc đề xuất.

Đồng quan điểm, TS Phan Phương Nam, Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, nên nhanh chóng xem xét và tiến đến bãi bỏ quy định miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng, nhằm hướng đến sự công bằng cho các loại hàng hóa nhập khẩu, cũng như đem lại lợi ích cho ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO