Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói về ba bước trong kịch bản phục hồi kinh tế sau COVID-19

Thy Hằng 06/05/2020 02:16

Mặc dù COVID-19 ở nước ta có khả năng kết thúc sớm nhưng các nước vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, về kịch bản phục hồi nền kinh tế, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đang chủ trì cùng các bộ ngành xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ KH&ĐT đã chủ động, phối hợp cùng với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những định hướng, giải pháp.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị 3 bước đối với điều hành nền kinh tế.

Bước thứ nhất là lúc COVID-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch là chủ yếu, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch gây ra.

"Khi chúng ta điều hành nền kinh tế trong trung và dài hạn thì việc giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho phục hồi sau này nhanh và tốt hơn", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của dịch COVID-19 giảm đi nhiều như hiện nay nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch và các bộ, ngành thì chúng ta sẽ phục hồi dần dần. Bộ KH&ĐT cũng đã báo cáo và tham mưu Chính phủ sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế.

Theo đó, đối với các mảng thị trường, trước tiên phục hồi trong nước trước; còn đối với thị trường nước ngoài thì hiện nay, mặc dù COVID-19 ở nước ta có khả năng kết thúc sớm nhưng các nước trên thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp.

“Do đó nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.

Đồng thời nhấn mạnh, ở đây, Bộ KH&ĐT xây dựng trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta. Chính vì vậy mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

“Ví dụ chính sách đặc biệt trong ngành vận tải hàng không, nếu như có chuyến bay quốc tế nào đó đến Việt Nam thì đây là vấn đề kinh tế, nhưng khi đến Việt Nam thì khách trên chuyến bay đó sẽ phải thực hiện cách ly cũng như kiểm soát dịch bệnh, đó là mục tiêu phòng chống dịch bệnh. Như vậy là an toàn cho chúng ta nhưng có hạn chế là không nhộn nhịp và đông khách như trước đây”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thứ hai là các giải pháp phòng chống ở trong nước, các quy định về giãn cách, cách ly cũng ảnh hưởng đến một số ngành, lĩnh vực mà có hoạt động tụ tập đông người hay phải tiếp xúc gần.

Bước thứ balà sau khi tình hình dịch bệnh có sự chuyển biến tốt thì sẽ có những quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm nới dần các quy định về phòng chống dịch, lúc đó các ngành sẽ mở lại hoạt động. Tuy nhiên có một điểm hết sức lưu ý là khâu thị trường, nhất là ngành dịch vụ, du lịch, nếu không có khách thì dẫu mở lại cũng chưa hoạt động được ngay, kéo theo đó là một số ngành khác như vận tải, lưu trú, ăn uống,… phụ thuộc hoàn toàn vào khách.

Trạng thái tương lai trong kịch bản của Bộ KH&ĐT xây dựng là khi COVID-19 đã yên ổn trên thế giới. Đối với thế giới hiện nay thì nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất sẽ thành công.

“Do vậy trong định hướng xây dựng kịch bàn này Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, tất nhiên sẽ đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó.

Về nội dung dự thảo nghị quyết một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19, sau khi Chính phủ tổ chức hội nghị Chính phủ với các địa phương trực tuyến, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ xem xét cho phép ban hành nghị quyết. Đây là nghị quyết thực chất tiếp nối Nghị quyết 42 trong tháng 3.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực an sinh và có một số giải pháp tiếp nối Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các chính sách tiền tệ, tài khóa và một số chính sách hỗ trợ khác.

Đối với các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn. Chính vì thế mà sau hội nghị trực tuyến với địa phương, Bộ KH&ĐT, VPCP và các bộ ngành đã phối hợp rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các giải pháp này rộng hơn, tiếp nối những giải pháp trước đây đã ban hành và mở rộng hơn quy mô, đối tượng, phạm vi.

Trong nghị quyết này có nội dung rất quan trọng liên quan đến đầu tư công. Đó là giải pháp làm sao thúc đẩy, giải ngân nhanh số lượng lớn vốn đầu tư công năm 2020.

“Đây là những giải pháp mang tính cơ chế và chính sách nên chúng tôi chưa có điều kiện tính xem tạo ra được bao nhiêu tiền nhưng cơ bản đây là những giải pháp mạnh tiếp theo các giải pháp của Chỉ thị 14 và Nghị quyết 42. Các chính sách của hai văn bản này đã tạo ra số tiền rất lớn, bao gồm tiền mang tính chất chính sách về tài khóa, tiền tệ và có cả giá trị tiền của ngân sách nhà nước hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua các chính sách an sinh xã hội”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Những tín hiệu giúp kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại

    05:30, 06/05/2020

  • Ba bước trong kịch bản phục hồi kinh tế sau COVID-19

    22:00, 05/05/2020

  • 10 giải pháp phát triển kinh tế TP. HCM hậu COVID-19

    12:02, 05/05/2020

  • Thủ tướng: Phải sớm phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội

    11:00, 05/05/2020

  • Chủ tịch VCCI: PCI 2019 và niềm tin vào "mùa vàng" kinh tế

    10:13, 05/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói về ba bước trong kịch bản phục hồi kinh tế sau COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO