Nhiều chuyên gia khẳng định, thủ tục khởi sự kinh doanh vẫn là một trong những rào cản ngáng chân doanh nghiệp khi gia nhập thị trường.
Đáng nói, đây cũng không phải là lần đầu tiên những bất cập về thủ tục khởi sự kinh doanh được doanh nghiệp và chuyên gia nói đến.
Doanh nghiệp khởi nghiệp phải mất 16 ngày để thực hiện thủ tục khởi sự kinh doanh
Theo báo cáo của CIEM, trước năm 2000 - thời gian thành lập một doanh nghiệp mới sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm và sau năm 2000 - thời gian đăng ký doanh nghiệp đã giảm xuống còn 5-7 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, ông Hiếu cho hay thời gian khởi sự kinh doanh phải mất đến 16 ngày.
Dù thừa nhận môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi nhưng khi nhìn lại thủ tục khởi sự kinh doanh ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận khẳng định cho đến nay vẫn còn những rào cản, quy định bất hợp lý và gây ảnh hưởng đến quá trình gia nhập thị trường.
“Trong đó, doanh nghiệp phải chịu một số loại chi phí với mức độ tăng thêm một cách bất hợp lý. Đó là, chi phí cho quá trình thực hiện quy định pháp luật; bị mất cơ hội kinh doanh do tăng chi phí về tài chính và thời gian; chi phí về phí, lệ phí để làm các thủ tục hành chính và cuối cùng là chi phí cho hoạt động đào tạo nhân lực, mua sắm thiết bị để đáp ứng quy định pháp luật”, ông Hiếu khẳng định.
Từ những lập luận nêu trên, ông Hiếu cho rằng mỗi một cải cách, tiến bộ dù là nhỏ cũng sẽ mang lại tác động lớn, trên diện rộng. “Ví dụ đơn giản, nếu giảm được 1 giờ cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính có nghĩa là doanh nghiệp cả nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều bởi cả nước có hơn 700 nghìn doanh nghiệp. Với cách tư duy như thế thì nguồn lực xã hội sẽ được tiết kiệm rất nhiều”, ông Hiếu khẳng định.
Trước nhiều quan điểm cho rằng dư địa cải cách, trong đó có dư dịa cải cách thủ tục gia nhập thị trường đã hết, ông Hiếu khẳng định dư địa cải cách vẫn còn nhiều để tận dụng. Vấn đề là lâu nay chúng ta mới chỉ cải cách ở những khâu dễ nhất chưa chưa động vào những khâu khó. Vậy thì giờ đây, phải tập trung nguồn lực để cải cách ở những khâu khó hơn, động đến lợi ích của nhiều người hơn.
Theo đó, cần tập trung gỡ bỏ những quy định bất hợp lý, không rõ mục tiêu hoặc gây phiền hà cho doanh nghiệp.
“Đơn cử, đó là những quy định như: doanh nghiệp phải có một số lượng bình gas là bao nhiêu để được phân phối gas trong khi cơ quản lý không tính đến điều đó có phù hợp hay không, nhu cầu thị trường ở từng khu vực, địa phương là bao nhiêu...? Hay quy định xe tải trọng lớn, xe đầu kéo phải mang phù hiệu khi lưu thông... Đã phải mất nhiều tranh luận, thời gian để có thể gỡ bỏ những điều kiện như vậy”, ông Hiếu đưa ra ví dụ.
Phải cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh theo thông lệ quốc tế
Bà Nguyễn Thị Việt Anh cho rằng, để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh thì phương pháp cách tiếp cận là bám sát thông lệ quốc tế, cụ thể là nội dung khởi sự kinh doanh trong báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) hàng năm của Ngân hàng Thế giới; từ đó đề ra giải pháp để cải thiện chỉ số.
“Chúng tôi được giao xây dựng Nghị định về khởi sự kinh doanh và đã bám sát quy trình mà Ngân hàng Thế giới chỉ ra. Tại cuộc họp đầu tiên với các bộ ngành liên quan về dự thảo Nghị định đã chỉ ra những điểm cần cải thiện trong khởi sự kinh doanh”, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.
Để tinh gọn khâu thủ tục mua hóa đơn và tự in hóa đơn VAT, bà Nguyễn Thị Việt Anh cho biết: “Chúng tôi đề xuất phương án với Bộ Tài chính rằng sẽ tích hợp thủ tục xin mua hóa đơn và in hóa đơn vào mẫu đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đang ký thành lập cho đầu mối cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh thì Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia sẽ gửi thông tin đó đến cơ quan thuế. Sau khi cơ quan thuế gửi mã số thuế doanh nghiệp thì đồng thời gửi trả kết quả thông báo sử dụng hóa đơn cho doanh nghiệp”.
Với giải pháp liên thông này, sẽ cắt giảm được thủ tục doanh nghiệp phải gửi cho cơ quan thuế và tiết kiệm được thời gian và chi phí cho khâu thành lập doanh nghiệp. Nếu giải pháp trên được thực hiện, thì khâu thực hiện mua hoặc tự in hóa đơn VAT sẽ được rút ngắn còn 3 ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.
Có thể bạn quan tâm
14:30, 29/02/2020
17:17, 27/02/2020
13:15, 10/01/2020
Về phần mình, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định các quy định thủ tục được tích hợp, hài hòa hóa sẽ giúp cắt giảm nhiều chi phí giao dịch mà doanh nghiệp phải đi lại các cơ quan khác nhau để giải quyết.
“Làm chính sách cần có những thay đổi nhất định. Thường chúng ta hay thảo luận 3 ngày có đủ thời gian cho cơ quan quản lý nhà nước giải quyết các thủ tục về thành lập doanh nghiệp không? Nhưng thời điểm hiện tại đã là thời điểm để tư duy theo hướng ngược lại, công chức phải xác định mất bao lâu để xử lý các thủ tục thành lập doanh nghiệp và nhìn nhận được việc tiết kiệm 1 ngày cho doanh nghiệp là tốt cho doanh nghiệp, tốt cho xã hội,” ông Hiếu nhận định.