Theo Bộ Xây dựng, các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội chưa thống nhất nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ, kéo dài.
>>Mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội: Tăng tốc về đích
Nội dung trên được Bộ Xây dựng nêu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2023, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô 567.042 căn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang.
Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, theo báo cáo của các bộ, các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội chưa có quy trình thống nhất, nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ, kéo dài.
Cũng ghi nhận thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đỗ Thành Trung cũng cho biết các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đang trong quá trình xây dựng, nên việc thẩm định sự phù hợp của dự án với quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn qua còn khó khăn nên số vốn bố trí để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội còn hạn hẹp. Việc thu hút tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn do các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành chưa đủ hấp dẫn đối với đối tượng này.
Thực tế, "ách tắc" trong thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội vẫn luôn là vấn đề nhức nhối khiến doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc này.
Theo các chuyên gia, nguyên do là Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư lại yêu cầu đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết (nếu có), quy hoạch phân khu (nếu có). Trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, đây cũng là quy định khiến 100% dự án nhà ở xã hội và phần lớn dự án nhà ở thương mại không thể đáp ứng yêu cầu này. Lấy dẫn chứng điển hình, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, thành phố đã phê duyệt hơn 600 quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 phủ kín toàn thành phố.
Trong đó chỉ quy định các chỉ tiêu, tiêu chuẩn xây dựng như “mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất” trung bình của cả phân khu và quy định “chiều cao tối đa” của công trình xây dựng trong phân khu, nên chưa dự liệu trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội với các ưu đãi về quy hoạch xây dựng nêu trên.
Hệ quả là năm 2021 tại TP. HCM chỉ có 7 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư; năm 2022 chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận và năm 2023 cũng chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được phê duyệt. Nhưng đáng nói là không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Quý I/2024 cũng không có dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nếu không nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư thì doanh nghiệp không thể thực hiện tiếp thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại Sở Quy hoạch Kiến trúc, rồi sau đó mới thực hiện tiếp thủ tục giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường, khiến dự án đứng hình.
>>Tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Trong khi đó, một số địa phương cũng phản ánh, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mất nhiều thời gian do trình tự thủ tục được quy định ở nhiều Luật, Nghị định, Thông tư nên địa phương gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định. Đặc biệt, các dự án nhà ở xã hội phải tiến hành mời quan tâm, sau đó mới tổ chức đấu thầu.
Theo quy định, quy trình thực hiện đầy đủ các bước từ khi lập hồ sơ năng lực kinh nghiệm đến bước phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mất khoảng 205 ngày (chưa gồm thời gian lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ sơ bộ năng lực kinh nghiệm; đánh giá và phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ năng lực kinh nghiệm nhà đầu tư; lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư); cơ quan tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá hồ sơ dự thầu chưa có kinh nghiệm thực hiện, dẫn đến thời gian thực hiện tại mỗi bước đều chậm, kéo dài.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, lấy ý kiến bổ sung Dự thảo Nghị định quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Theo HoREA, cần quy định đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết (nếu có) trong trường hợp thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu (nếu có) trong trường hợp thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, với quy hoạch phân khu (nếu có) trong trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất.
Trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chưa phù hợp với quy hoạch chung thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung.
Có thể bạn quan tâm