Chính trị - Xã hội

Thủ tướng đặt kỳ vọng lớn cho năm 2025

Nguyễn Thu Hà 16/07/2025 18:48

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8,3–8,5% không phải là một “mục tiêu bất khả thi”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 16/7 vừa qua.

kyvong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tăng trưởng 8,3-8,5% năm 2025 không là 'mục tiêu bất khả thi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuyên bố này không chỉ là mệnh lệnh hành động của Chính phủ mà còn là lời hiệu triệu gửi tới cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định, việc Chính phủ đưa ra một kịch bản tăng trưởng đầy tham vọng là tín hiệu thể hiện quyết tâm đổi mới tư duy điều hành và khát vọng phát triển của quốc gia.

Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn nhìn nhận, mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% là “rất khó” và “nhiều thách thức”. Thách thức lớn nhất không nằm ở con số, mà ở việc duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa - tiền tệ đã thu hẹp đáng kể sau đại dịch, trong khi áp lực lạm phát, tỷ giá, nợ công, và thị trường toàn cầu đều đang đè nặng.

Song, như Thủ tướng nói, “chúng ta không thể không làm”. Bởi nếu không làm, không đạt được mục tiêu này ngay từ năm 2025, năm bản lề trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 thì các mục tiêu phát triển tiếp theo, đặc biệt là hai dấu mốc trăm năm 2030 và 2045, sẽ đối mặt nguy cơ trượt khỏi quỹ đạo.

Trong bức tranh này, không thể phủ nhận rằng những nỗ lực cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh... chính là “chìa khóa” then chốt để mở ra dư địa cho tăng trưởng bền vững.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong đó kịch bản thứ hai - tăng trưởng từ 8,3 - 8,5% - được chọn làm phương án chủ đạo. Đáng chú ý, quy mô GDP theo kịch bản này có thể vượt 510 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người vượt mốc 5.000 USD, những cột mốc ý nghĩa thể hiện tầm vóc của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương, từng doanh nghiệp nhà nước, từng tập đoàn từ Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh đến các tập đoàn trụ cột là bước đi thể hiện tinh thần điều hành "sát thực tiễn", "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền" mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh. Đây không chỉ là phương pháp quản trị hành chính công hiệu quả, mà còn truyền đi thông điệp rằng: không có chỗ cho sự trì trệ, trông chờ, ỷ lại.

Đặc biệt, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải tăng trưởng ở mức trên dưới 10% cho thấy một chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy về vai trò doanh nghiệp nhà nước, từ “cánh tay nối dài của Nhà nước” sang “đầu tàu tăng trưởng”, nơi cần tiên phong đổi mới, sáng tạo và sử dụng hiệu quả nguồn lực công.

Muốn tăng trưởng bền vững, chắc chắn phải đặt doanh nghiệp vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển. Môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện thực chất hơn nữa, thông qua việc giảm chi phí tuân thủ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa cần tiếp tục theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi ở các địa phương không chỉ là cách tăng hiệu quả quản trị mà còn là tiền đề để tạo ra “vùng động lực tăng trưởng” mới bên cạnh các cực tăng trưởng truyền thống.

Đặc biệt, để tăng trưởng bền vững không thể không nhắc đến vai trò của doanh nghiệp tư nhân, lực lượng đang đóng góp trên 40% GDP và ngày càng khẳng định vai trò là đầu kéo kinh tế. Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng cao đặt ra, doanh nghiệp tư nhân không thể đứng ngoài cuộc, mà cần mạnh dạn mở rộng đầu tư, chuyển đổi số, vươn ra thị trường quốc tế và đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp yên tâm “bung sức”, Chính phủ cần tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững lòng tin thị trường, đặc biệt là kiểm soát tốt lạm phát ở mức dưới 4,5% như mục tiêu đã nêu.

Tăng trưởng cao không chỉ là chỉ tiêu kinh tế, mà còn là biểu hiện của khát vọng dân tộc trong giai đoạn mới, khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Nhưng để biến khát vọng thành hiện thực, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự sáng tạo của người dân và sự nhất quán trong chính sách điều hành.

Năm 2025 sẽ là “bàn đạp” chiến lược, nếu tận dụng tốt, Việt Nam có thể bước vào giai đoạn 2026–2030 với vị thế và tâm thế vững vàng. Nhưng nếu để lỡ, cái giá phải trả không chỉ là con số GDP, mà là niềm tin, là cơ hội phát triển và là chậm nhịp trong cuộc đua toàn cầu.

Có thể khẳng định, tăng trưởng 8,3–8,5% không phải là mục tiêu để tuyên bố, mà là lời cam kết cần hành động. Và trong hành trình này, doanh nghiệp cần được tiếp thêm động lực, Chính phủ cần giữ vững niềm tin, còn toàn xã hội cần được truyền lửa bằng khát vọng, niềm tin và sự đồng lòng. Bởi chỉ có thế, mục tiêu tưởng như “khó” mới có thể trở thành hiện thực “rõ ràng và bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng đặt kỳ vọng lớn cho năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO