Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trước mắt, cần tập trung lo cho 5.592 hộ hiện không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm, khắc phục nhanh tình trạng “màn trời chiếu đất”.
Ngày 23/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành và địa phương về hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trăn trở trước tình trạng thiên tai vừa qua ở nhiều vùng, gây sạt lở, trôi nhà cửa, khiến người dân phải sống trong lều bạt, nơi tạm bợ. Với tinh thần “không để người dân bị cảnh màn trời chiếu đất”, Thủ tướng đề nghị có các biện pháp lo nhà ở cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cũng như biện pháp lâu dài, căn cơ.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt trận lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23-26/6 xảy ra trên diện rộng (một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang...) làm 33 người chết, mất tích; ước tính thiệt hại khoảng 762 tỷ đồng.
Trước đó, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong năm 2017 làm 71 người chết và mất tích; 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi; 13.246 hộ đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.
Tổng hợp của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, hiện có 5.592 hộ dân không có nhà ở hoặc ở đang ở trong nhà tạm. Hơn 42.100 hộ dân có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất cần phải di dời để bảo đảm an toàn. Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị hỗ trợ lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại một số vị trí có nguy cơ cao tại một số địa phương.
Do đó, Thủ tướng cho rằng, trước mắt, cần tập trung lo cho 5.592 hộ hiện không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm, khắc phục nhanh tình trạng “màn trời chiếu đất”.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết theo hướng bố trí ở xen ghép vào các khu dân cư. Hỗ trợ phải bảo đảm yêu cầu chính xác, đúng đối tượng, kịp thời, huy động các nguồn lực khác bên cạnh nguồn lực Nhà nước và cần tính tới lâu dài. Cùng với việc lo về nhà ở, cần lo cho người dân sống trong nhà ấy bằng cách nào, đất sản xuất ra sao để ổn định cuộc sống, đồng thời lo cả hạ tầng như người dân sống ở đó đi lại bằng cách nào, con em học hành, chữa bệnh làm sao.
“Việc này giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, phải làm gấp, làm ngay, làm chính xác và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng nêu rõ. Cần quản lý chặt chẽ, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về mức hỗ trợ, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT đề xuất mức phù hợp giữa hỗ trợ nhà ở và hạ tầng, trên tinh thần công bằng, minh bạch, sớm trình Thủ tướng quyết định.
Bộ NN&PTNT khẩn trương trình Thủ tướng dự án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, có phân kỳ đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
16:20, 16/07/2018
03:00, 09/07/2018
10:43, 26/06/2018
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất vốn dự phòng trong đầu tư trung hạn để bố trí vốn khẩn cấp cho các khu vực cần di dời theo dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương lập bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, lũ quét, sạt lở đất. Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, bộ, ngành, rà soát quy hoạch các khu dân cư.
Thủ tướng cũng giao các Bộ nói trên đề xuất các nguồn lực để có Quỹ phòng chống thiên tai quốc gia. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, có phương án, nêu cao trách nhiệm trong phòng chống thiên tai, nhất là quy chế vận hành liên hồ chứa bởi đây đang là thời điểm vào mùa mưa lũ.
Trong khi đó, ý kiến của các địa phương cho rằng, việc hỗ trợ cần bảo đảm công bằng, đúng đối tượng theo các mức thiệt hại (bị mất hoàn toàn hay mất một phần) và đặc biệt, cần hỗ trợ xây dựng hạ tầng, bởi không có đường đi thì cũng không thể vận chuyển vật liệu lên làm nhà.
Mặc dù chỉ là khoản hỗ trợ nhưng cũng cần bảo đảm cho người dân có thể có được nhà kiên cố, chứ không vẫn phải sống trong nhà tạm mới. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát để tránh tình trạng người dân lấy tiền hỗ trợ làm việc khác.
Một số ý kiến kiến nghị cần sớm lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất chi tiết hơn để biết chỗ nào có thể an cư được, bởi đã có một số trường hợp, người dân phải di dời nhiều lần vì nơi ở mới cũng không an toàn.