“Hai từ khóa “Kết nối và hợp tác” với nhà đầu tư trên tinh thần tôi có lợi, anh có lợi, người dân có lợi”.
Đó là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gởi lãnh đạo tỉnh An Giang tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh An Giang diễn ra vào sáng ngày 15/12.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: An Giang một vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, có nhiều tiềm năng phát kinh tế. Những năm qua tuy địa phương đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội nhưng thực tế phát triển dưới tiềm năng. Điển hình như tuy thu hút du khách hơn 6 triệu lượt khách/năm nhưng doanh thu dịch vụ du lịch còn thấp.
Từ thực tế đó, Thủ tướng đề nghị: Để phát huy đúng mức tiềm năng hiện có, tỉnh An Giang phải phát huy lợi thế so sánh, phát triển hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến hợp tác đầu tư tại địa phương, An Giang phải nỗ lực trở thành hình mẫu trong thu hút đầu tư.
Thủ tướng cũng giao cho lãnh đạo các bộ, ngành cùng hỗ trợ tỉnh An Giang trong tháo gỡ khó khăn nhất là phải phát triển nhanh hạ tầng giao thông kết nối đường bộ, đường sông, hàng hải…
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của địa phương trong công tác chuẩn bị và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư.
Nhiều tiềm năng chào đón nhà đầu tư
Là vùng đất đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trung tâm kinh tế - thương mại kết nối 3 thành phố lớn là TP.HCM, Cần Thơ và Phnom Penh (Campuchia), An Giang được đánh giá là địa phương hội tụ rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp và dịch vụ du lịch.
Tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên 3.537 km2, dân số trên 2,15 triệu người, có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100 km, 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên và Vĩnh Xương); 2 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông) cùng 2 cửa khẩu phụ (Bắc Đai và Vĩnh Gia), tạo dòng chảy liền mạch trong giao thương biên giới.
Hệ thống giao thông thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ. Cảng Mỹ Thới của An Giang, thuộc hệ thống Cảng biển Việt Nam và Quốc tế; có thể đón nhận các loại tàu với tải trọng trên 10 nghìn tấn.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp An Giang có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh với sản lượng lúa và thủy sản nước ngọt nằm trong nhóm các tỉnh cao nhất nước.
Tài nguyên du lịch của An Giang rất đa dạng và phong phú so với các tỉnh trong vùng; với nhiều di tích, khu du lịch được công nhận cấp quốc gia.
Sự giao thoa văn hóa của 4 dân tộc anh em (Kinh – Chăm – Hoa – Khmer) đã tạo nét văn hóa đặc sắc riêng, từ trang phục, nghệ thuật kiến trúc, văn hóa ẩm thực…
Lực lượng lao động khá dồi dào; số lượng trong độ tuổi lao động khoảng 1 triệu 230 nghìn người, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm gần 57%.
Làm gì để đánh thức tiềm năng?
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: An Giang là một trong những địa phương có tiềm năng rất đặc biệt: có núi, có rừng, diện tích nông nghiệp lớn nhất nhì của vùng và nhiều tiêm năng về phát triển du lịch.
Riêng về lĩnh vực nông nghiệp: lúa gạo, cá tra, đại gia súc. Cá tra chỉ cần diện tích vài ngàn ha đã mang về kim ngạch hơn 2 tỷ USD mà An Giang và Đồng Tháp là số 1 trong nuôi trồng cá tra.
Tuy nhiên, để khai thác đúng tiềm năng thì có hai vấn đề cốt yếu cần chú trọng, đó là phải vực dậy được công nghiệp chế biến, thứ hai là phải có sự đồng hành liên kết các Nhà để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng cho ngành hàng, đó điểm yếu yết hầu của nông nghiệp không chỉ với An Giang mà còn cho các địa phương khác.
Đồng tình với quan điểm trên,TS Trần Du Lịch-Thành viên tổ tư vấn kinh tế Chính phủ cho rằng: An Giang không thể tăng trưởng cao hơn nếu không phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến nông sản. Công nghiệp hóa bằng lợi thế nông nghiệp không thể phát triển nông nghiệp chiều rộng mà phải đi vào chiều sâu. Để thực hiện được thì phải có chính sách tích tụ ruộng đất bằng các mô hình như cánh đồng lớn và hợp tác xã kiểu mới. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông kết hợp với dịch vụ logistics nhằm tiết kiệm chi phí cho khâu vận chuyển để gia tăng lợi nhuận cho chuỗi sản xuất.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc-đơn vị vừa khánh thành trang trại sản xuất cá tra giống quy mô 100 ha, công suất 1 tỷ con giống cho rằng tuy ngành tôm và cá tra Việt Nam đang dẫn đầu thế giới nhưng nếu muốn nâng cao giá trị thì không có con đường nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Bình luận về tiềm năng du lịch của tỉnh An Giang, ông Guillaume Van Grinsven-Chuyên gia cấp của Tổ chức Hỗ trợ quốc tế Hà Lan PUM cho rằng: An Giang tuy thu hút du khách hàng năm đứng đầu khu vực nhưng chỉ mới là điểm dừng chứ chưa phải là điểm đến. An Giang hoàn toàn có thể trở thành điểm đến nếu biết khai thác tốt các sản phẩm đặc trưng. Đó là Khu du lịch văn hóa núi Sam-điểm giao thoa văn hóa, thương mại, phải biến điểm du lịch này cho tất cả du khách trải nghiệm; Núi Cấm-Trung tâm nghỉ dưỡng; Di tích văn hóa óc eo và Khu du lịch rừng tràm Trà Sư. "Nếu không thì du lịch An Giang chỉ mãi là: "Nàng công chúa đang ngủ quên trong rừng."", ông Guillaume Van Grinsven cho biết.
Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Lê Quang Tùng cho rằng: Tốc độ đóng góp du lịch của An Giang cho GDP đồng điệu với cả nước nhưng chưa tương xứng với tiềm năng vì nơi đây còn nhiều dư địa để phát triển nhất là mảng du lịch tìm hiểu di tích, văn hóa, du lịch tâm linh.
Muốn vậy An Giang phải thu hút được nhà đầu tư xứng tầm trên cơ sở phải có danh mục dự án tốt. Đồng thời cũng phải chú trọng hạ tầng giao thông kết nối vùng và với các địa phương của Campuchia, phát triển du lịch xuyên biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết Khát vọng vươn lên, quyết tâm thực hiện thắng lợi định hướng đã đề ra, An Giang đã xây dựng hình ảnh một chính quyền năng động, sáng tạo, luôn tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Tỉnh đã ban hành các quy định, các cơ chế để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; duy trì cơ chế đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp; thực hiện nghiêm cơ chế giám sát và xử lý nhũng nhiễu của công chức và bộ máy các cấp. An Giang cũng đã mạnh dạn ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch; Cơ chế hỗ trợ tạo quỹ đất.
Tính từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã thu hút được 234 dự án (gồm 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 228 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký 50.449 tỷ đồng. So với giai đoạn 2011-2015, số dự án tăng 15,84% (tăng 32 dự án), tổng vốn đăng ký tăng 100,64% (tăng 25.338 tỷ đồng).
Thủ tướng chứng kiến trao QĐ đầu tư, chủ trương đầu tư và ký kết hợp tác.
Tại hội nghị, tỉnh An Giang đã kết nối thành công với 26 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là trên 27 nghìn 600 tỷ đồng.
Đồng thời kết nối cơ hội cho 5 đề xuất cam kết ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 35 nghìn tỷ đồng và 4 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 70 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, An Giang tiếp tục mời gọi đầu tư cho 60 dự án trong một số lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa...
Tại hội nghị hôm nay, lãnh đạo của các ngân hàng thương mại sẽ trao cam kết tín dụng cho một số dự án đầu tư nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng với các nhà đầu tư; đây cũng là sự tin tưởng về mặt tài chính khi nhà đầu tư lựa chọn và quyết định đầu tư tại An Giang.
Dịp này các doanh nghiệp, nhà đầu Quỹ an sinh xã hội của tỉnh tiếp nhận số tiền trên 34 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân.