"Các năm gần đây, năm nào, các địa phương cũng đủng đỉnh vượt dự toán thu ngân sách sớm còn ngân sách Trung ương thì “vắt chân lên cổ”, đến phút thứ 90 mới có thể nói là bảo đảm thu ngân sách Trung ương."
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước năm 2017 và triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2018 của Bộ Tài chính diễn ra sáng nay (8/1).
Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2017, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với những con số đáng khích lệ như: GDP tăng trưởng, 6,81%, đạt khoảng 5,1 triệu tỷ đồng, nợ công giảm còn 61,3% GDP; Cả nước có thêm 155.000 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp lên 640.000; Xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD...
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Hai vấn đề lớn về thuế
Sau khi dự và lắng nghe nhiều ý kiến, Thủ tướng đã đưa ra một số nhận xét liên quan đến vấn đề thuế. Cụ thể, chính sách thuế đang thay đổi nhanh, quá nhiều, dẫn đến các hệ luỵ cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Thủ tướng thẳng thắn khi cho biết bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị bắt lỗi đúng sau khi kiểm tra, thanh tra thuế thì nhiều doanh nghiệp đã bị oan sai do chính sách. “Đấy là lỗi từ cơ quan quản lý nhà nước”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Do đó, cần phải đưa ra được chính sách dài hơi hơn. Những thay đổi nhanh là minh chứng cho việc xây dựng chính sách chưa theo kịp phát triển đời sống, kinh tế - xã hội đất nước, cũng như chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu chiều sâu, thiếu lắng nghe. “Bộ Tài chính và các bộ cần lưu ý khi thẩm tra dự án Luật”, Thủ tướng nhắc nhở.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra việc cơ quan quản lý khi làm luật vẫn đang tư duy có lợi cho mình, chưa hướng đến bảo vệ quyền lợi người nộp thuế. Theo đó, các cơ quan nhà nước đang có quá nhiều quyền như phong toả tài khoản, đình chỉ hoá đơn,... trong khi đó, người nộp thuế (chủ yếu là doanh nghiệp, người dân) quyền của họ thì ít.
“Chính sách thuế của ta luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân kêu cũng bị áp đặt là vi phạm”, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh việc quyền lợi của nhóm nộp thuế ít được quan tâm.
Do đó, Thủ tướng đề nghị cần sửa đổi các điều khoản, quy định bảo vệ cho người nộp thuế. Việc này nhằm tạo điều kiện phát triển cho nền kinh tế nói chung.
Về vấn đề thu thuế, theo Thủ tướng hiện là vẫn tư duy theo hướng coi trọng tăng thuế hơn mở rộng cơ sở thuế. Trong làn sóng 4.0 với sự xuất hiện nhiều lĩnh vực mới như liên kết toàn cầu, nền kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến, Thủ tướng nhận định các loại hình mới này sẽ là nguồn thu mới.
“Uber, Grab, Google, Facebook,... là những mỏ vàng mở rộng cơ sở thuế”, Thủ tướng cho biết. Nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Do vậy, quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì chính sách tài chính, chính sách thuế còn chậm, các quy định về chính sách thuế chưa theo kịp, chưa tương thích với quy định của OECD, Liên Hợp Quốc, UNDP nên các hoạt động chuyển nhượng gián tiếp ngoài Việt Nam giữa các tập đoàn nước ngoài như chuyển nhượng vốn, cổ phần, chuyển giao tài sản vô hình… thường không thu được thuế hoặc có thu thì cũng xảy ra tranh chấp quốc tế.
Rõ ràng các hoạt động trên thuộc quyền đánh thuế của Việt Nam nhưng chính sách của chúng ta chưa theo kịp quá trình hội nhập nên đã nhường quyền đánh thuế cho người khác hoặc phải theo các vụ kiện cáo của các tập đoàn nước ngoài.
Nhắc lại phiên họp của Bộ trưởng Tài chính tại APEC 2017 với chủ đề chống xói mòn cơ sở thuế, Thủ tướng nhấn mạnh cần so sánh với chuẩn mực OECD để kịp tương thích chính sách thuế. Đấy là vấn đề toàn cầu, nếu không làm được thì Việt Nam sẽ luôn đi sau.
Bài toán cân đối ngân sách nhà nước
Theo Thủ tướng, bài toán cân đối ngân sách nhà nước chưa vững chắc, chưa khoa học. Các năm gần đây, năm nào, các địa phương cũng đủng đỉnh vượt dự toán thu ngân sách sớm còn ngân sách Trung ương thì “vắt chân lên cổ”, đến phút thứ 90 mới có thể nói là bảo đảm thu ngân sách Trung ương. “Chúng ta chưa làm được việc này, còn bị động”, Thủ tướng nói.. Đây là vấn đề cần được bàn, được thảo luận để thực hiện đúng tinh thần ngân sách Trung ương là chủ đạo của ngân sách nhà nước.
Trong chi ngân sách, còn tình trạng khập khiễng. Chi thường xuyên năm nào cũng vượt dự toán, thậm chí có xu hướng tăng lên. Chi đầu tư phát triển đã có tăng nhưng chưa tương xứng. Bộ Tài chính cần rà soát kỹ các điểm nghẽn, các bất cập trong bài toán cân đối ngân sách để khắc phục sớm tình trạng này, làm sao ngân sách phải chủ động hơn, nhất là ngân sách Trung ương, đừng để quá căng thẳng.
Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. “Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP. Đà Nẵng. Nhà nước được cái gì?”, Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng cho rằng cơ chế quản lý hóa đơn VAT còn bất cập, lực lượng công an khởi tố liên tục nhiều vụ mua bán hóa đơn bất hợp pháp gây thiệt hại hàng nghìn tỷ, ngành thuế còn thiếu cơ sở kiểm soát, làm méo mó môi trường kinh doanh. Do đó, Thủ tướng đề nghị ngành thuế sớm đưa hóa đơn điện tử vào áp dụng, đảm bảo lành mạnh môi trường kinh doanh quốc gia.
Phát biểu tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hứa với Thủ tướng, ngành Tài chính sẽ kiên quyết chống tiêu cực, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan; ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan quán triệt, cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Để thực hiện nhiệm vụ năm 2018, báo cáo của Bộ Tài chính về triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2018 đã nêu ra 9 nhóm giải pháp với 29 giải pháp cụ thể.
Trong đó Bộ Tài chính nhấn mạnh việc điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Xây dựng cơ chế chính sách tài chính, trình cấp có thẩm quyền ban hành; triển khai quyết liệt, có hiệu quả Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Luật quản lý nợ công.