Bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định, thời gian tới, các cơ quan lãnh đạo EU có sự thay đổi nhân sự nhưng Việt Nam luôn là ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với EU.
Chiều 5/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini.
Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của bà Federica Mogherini trong thúc đẩy quan hệ hai bên thời gian qua, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) vừa được hai bên ký ngày 30/6 vừa qua. Đây là dấu mốc quan trọng có ý nghĩa lịch sử của hai bên.
Bà Federica Mogherini bày tỏ vinh dự có chuyến thăm Việt Nam tuy ngắn nhưng thành công; đánh giá cao thiện chí và nỗ lực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài giữa Việt Nam và EU. Bà khẳng định, thời gian tới, các cơ quan lãnh đạo EU có sự thay đổi nhân sự nhưng Việt Nam luôn là ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với EU.
Có thể bạn quan tâm
08:24, 18/10/2018
06:45, 12/05/2018
00:00, 04/09/2014
00:00, 23/08/2014
Bà Federica Mogherini bày tỏ kỳ vọng về Hiệp định EVFTA và EVIPA là cơ sở vững chắc cho thúc đẩy quan hệ song phương trong tương lai. Bà cho rằng, việc ký hai Hiệp định này thể hiện sự hài lòng chung mà hai bên cùng chia sẻ, là nội dung quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, là tín hiệu tích cực mà hai bên gửi ra thế giới về ủng hộ tự do thương mại trong bối cảnh thế giới có biến động phức tạp. Bà đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện quan hệ với EU trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, lao động, an ninh mạng... là cơ sở tốt để Nghị viện châu Âu thông qua các hiệp định mà hai bên đã ký kết.
Bà cũng khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS 1982); bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không; đây là vấn đề quốc tế cùng quan tâm vì nơi đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng cho cả EU cũng như châu Á và toàn cầu.
Bà cũng chúc mừng Việt Nam năm tới đảm nhiệm cả vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; kỳ vọng EU sẽ phối hợp hiệu quả hơn với Việt Nam trong năm tới về các vấn đề quốc tế, khu vực và thúc đẩy quan hệ song phương.
Cảm ơn các ý kiến của Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-EU thời gian qua có nhiều bước tiến tích cực, mang tầm chiến lược và Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ này trong thời gian tới.
Các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp triển khai Hiệp định khung Đối tác Hợp tác toàn diện Việt Nam–EU (PCA), Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-EU đang phát huy hiệu quả tốt. Hai bên đã bắt đầu triển khai Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) mà bà Federica Mogherini đã cùng phía Việt Nam ký tháng 10/2018.
Về kinh tế, Thủ tướng đánh giá cao hai bên đã ký Hiệp định EVFTA và EVIPA, đồng thời đề nghị Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn hai hiệp định này để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác phục vụ lợi ích và khẳng định cam kết của hai bên đối với tự do thương mại, đầu tư.
Thủ tướng cũng hoan nghênh những bước phát triển tích cực về hợp tác quốc phòng Việt Nam-EU thời gian qua và hy vọng cùng với nhiều thỏa thuận song phương khác (về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường…) hai bên sẽ sớm ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA) vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Về các lĩnh vực khác, Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp khắc phục, tiến tới tháo gỡ “thẻ vàng" đối với Việt Nam trong việc phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU); tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tại EU trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản.
Thủ tướng cũng hoan nghênh những quan tâm của EU và của cá nhân Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đối với khu vực Đông Nam Á; mong muốn quan hệ EU-ASEAN cũng như hợp tác Việt Nam-EU trong khuôn khổ đa phương sẽ được tăng cường trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông; đề nghị EU duy trì lập trường đề cao thượng tôn pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông...