Thủ tướng yêu cầu đổi mới cơ chế điều hành ngay sau Tết, ngay từ Quý I, nhất là những lĩnh vực, công trình quan trọng mà đất nước đang có nhu cầu cao như phát triển công nghiệp quy mô lớn.
Sáng nay (31/1), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ đầu tiên của năm 2019, năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sự kiện Đoàn Cấp cao Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thuỵ Sỹ trong tháng 1 đã dành được nhiều kết quả nổi bật với việc đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam – quốc gia đổi mới sáng tạo, một nền kinh tế liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu.
Đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước tháng 1, Thủ tướng cho rằng, vẫn tiếp tục xu hướng tốt của năm 2018. CPI tăng 0,1%, tỷ giá, lãi xuất ổn định. Tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua được trên 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng gần 8%. Cụ thể, Báo cáo từ Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 22,1%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%).
Có thể bạn quan tâm
08:42, 27/01/2019
19:10, 23/01/2019
03:35, 22/01/2019
16:59, 14/01/2019
Vốn FDI thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,2% (kể cả dầu thô).
Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ với mức 1,9%, trong đó trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,8%.
Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao việc có trên 10.000 doanh nghiệp thành lập mới với quy mô vốn tăng 53,8% trong tháng 1, điều này cho thấy quy mô các doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, trong thời gian này có trên 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội môi trường được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tội phạm xã hội đen, tín dụng đen được truy quét quyết liệt.
Được biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và ASEAN. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng (45,92/100 điểm).
Mặc dù tiếp tục diễn biến tích cực, tuy nhiên Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, với tinh thần “việc hôm nay chớ để ngày mai” các thành viên Chính phủ cần tập trung đổi mới trong công tác điều hành và quản lý để tập trung vào những việc quan trọng của đất nước. Đổi mới cơ chế điều hành ngay sau Tết, ngay từ Quý I.
Thủ tướng lấy ví dụ về đổi mới trong phân bổ, bố trí ngân sách, như thay vì phân bổ mỗi nơi một ít thì nên tập trung vào một số công trình quan trọng, cấp thiết. Theo Thủ tướng “cách làm đó mới là đổi mới”. Hay vấn đề an toàn giao thông, mặc dù đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, thì cần đổi mới để giảm tai nạn giao thông.
Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình thị trường, nhất là giá cả dịp Tết để không có yếu tố bất ngờ xảy ra, bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. “Còn khâu nào yếu chúng ta phải khắc phục”, Thủ tướng nhấn mạnh đề nghị này đối với từng cấp, từng ngành.