Thu xếp kênh dẫn vốn, tăng nguồn lực cho doanh nghiệp

PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH - Chuyên gia tài chính 08/01/2023 05:10

Năm 2023, Việt Nam cần sớm có thay đổi chính sách để đáp ứng nhu cầu về vốn, thì doanh nghiệp mới thu xếp được nguồn lực một cách an toàn, ổn định phục vụ tăng trưởng.

>>Chính sách tiền tệ 2023: Dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất

Áp lực gia tăng

Năm 2022 vừa qua có rất nhiều khó khăn, đột biến đối với nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức 8,02% và điểm sáng lớn là lạm phát chỉ ở mức 3,15%, đi ngược lại trào lưu của thế giới là lạm phát rất cao, bình quân khoảng 8,5%.

Trong thời gian qua đã có những khó khăn về việc thu hút vốn của hệ thống ngân hàng, nên các ngân hàng thương mại phải chạy đua lãi suất đầu vào

Trong thời gian qua đã có những khó khăn về việc thu hút vốn của hệ thống ngân hàng, nên các ngân hàng thương mại phải chạy đua lãi suất đầu vào

Tuy nhiên, cuối năm 2022 là giai đoạn rất nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng bởi các dự đoán về nền kinh tế năm 2023 không mấy tươi sáng. Lạm phát của thế giới sẽ vẫn cao mặc dù đã qua đỉnh điểm, các chuyên gia trên thế giới đều cho rằng lạm phát có thể đạt mức 6,5% và tăng trưởng của thế giới sẽ chậm lại so với những dự báo trước đây, chỉ khoảng 2,2 - 2,5%.

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất nhập khẩu với tỷ trọng trên GDP khoảng gần 200%, vì thế khi thế giới giảm mức tiêu thụ hàng hóa thì rõ ràng khả năng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm đi, dẫn đến tăng trưởng chậm lại.

Cùng với đó, bối cảnh lạm phát của thế giới cao trong khi Việt Nam phải nhập khẩu 40% nguyên, nhiên vật liệu làm đầu vào cho sản xuất, thì chúng ta cũng sẽ nhập khẩu lạm phát, gây sức ép lớn trong khi xuất khẩu giảm sút. Từ đó làm cho sản xuất chậm lại, công ăn việc làm bị thắt chặt, thậm chí có một chuỗi dây chuyền tác động không tốt đến nền kinh tế, nếu không nỗ lực vượt qua khó khăn này để đáp ứng được khả năng tăng trưởng trong năm mới.

>>Tiếp tục “vực dậy” thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Khơi thông kênh dẫn vốn

Về kinh tế của Việt Nam trong năm tới, câu chuyện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ vẫn là một trong những vấn đề phải bàn tới rất nhiều, để kiểm soát lạm phát và đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Trong đó, áp lực lãi suất cũng sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ.

Bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, vẫn cần có sự hợp tác khác nữa, nhất là qua thị trường chứng khoán, kênh trái phiếu doanh nghiệp

Bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, vẫn cần có sự hợp tác khác nữa, nhất là qua thị trường chứng khoán, kênh trái phiếu doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp thu xếp nguồn vốn trong trung - dài hạn

Nhìn lại năm 2022, có khoảng hơn 340 lần ngân hàng trung ương các nước trên thế giới tăng lãi suất, vì thế Việt Nam cũng bắt buộc phải tăng lãi suất để đảm bảo cạnh tranh đầu tư, cũng như so sánh lãi suất giữa các quốc gia nhằm giảm bớt áp lực về tỷ giá và lạm phát. Chúng ta đều đã nhìn thấy công tác điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước rất khôn khéo, nhanh nhẹn, có can thiệp để giữ vững ổn định tỷ giá.

Có những thời điểm VND giảm giá mạnh so với đồng USD đến trên 8%, nhưng thời điểm cuối năm 2022, mức độ giảm giá chỉ 2,09% và đến ngày 5/1 con số này chỉ còn 1,8%. Điều này đã tạo ra sự yên tâm cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng, việc giữ vững tỷ giá sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, vì 73% hợp đồng xuất khẩu của Việt Nam sử dụng đồng USD.

Riêng về lãi suất, trong thời gian qua đã có những khó khăn về việc thu hút vốn của hệ thống ngân hàng, nên các ngân hàng thương mại phải chạy đua lãi suất đầu vào. Tuy nhiên với mức lạm phát tương đối thấp thì Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã yêu cầu và các ngân hàng đi đến thống nhất lãi suất huy động không quá 9,5% để kéo lãi suất cho vay giảm xuống. Trên thực tế, lãi suất cho vay hiện đã giảm từ 0,5 - 1%, vì thế việc cung vốn cho nền kinh tế bằng kênh tín dụng là tương đối khả quan.

Song, chúng tôi đánh giá việc đó vẫn chưa phải điều chắc chắn, nên vẫn cần có sự hợp tác khác nữa, nhất là qua thị trường chứng khoán, kênh trái phiếu doanh nghiệp. Cần thiết phải có thay đổi để đáp ứng nhu cầu về vốn thì doanh nghiệp mới thu xếp được nguồn lực một cách an toàn, ổn định phục vụ tăng trưởng.

Đối với thị trường chứng khoán trong năm 2022, giai đoạn đầu năm tương đối ổn nhưng sau đó thị trường sụt giảm đến hơn 33% và phục hồi rất chậm. Nhưng trong năm 2022 chúng ta đã có việc cơ cấu lại thị trường bằng việc thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam gồm hai Sở giao dịch TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; đồng thời thành lập trung tâm Lưu ký Chứng khoán, cũng như hạ thời gian thanh toán chứng khoán xuống 2 ngày. Từ đó chúng ta đã rà soát, tổ chức lại cơ cấu, bộ máy cũng như cơ chế hoạt động của thị trường chứng khoán, làm cho cơ chế chính sách của nhà nước phù hợp với thực tế, công khai hơn, minh bạch hơn, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, nhưng đồng thời cũng giảm thiểu tối đa các hoạt động của những người thao túng trên thị trường. Vì vậy, hy vọng ngay trong quý 1/2023 này, thị trường chứng khoán có thể quay trở lại sự hồi phục và tăng trưởng rõ rệt hơn.

Ở kênh trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính được Chính phủ giao điều chỉnh Nghị định 65 vừa ban hành ngày 12/9/2023 hỗ trợ thị trường này quay trở lại hoạt động,  phù hợp với thực tiễn để các doanh nghiệp có thể phát hành được trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cung cấp vốn cho sản xuất trung - dài hạn tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • “Giải mã” biến số lãi suất năm 2023

    09:05, 05/01/2023

  • Chính sách tiền tệ 2023: Dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất

    05:20, 03/01/2023

  • Lạm phát kỳ vọng và lãi suất điều hành có thể tăng trong quý đầu năm

    05:00, 02/01/2023

  • Đà Nẵng: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất

    11:35, 30/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu xếp kênh dẫn vốn, tăng nguồn lực cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO