Chuyện Vinasun kiện Grab và đòi bồi thường 41 tỉ đồng vì cho rằng sự phát triển của Grab là nguyên nhân khiến Vinasun kinh doanh khó khăn đang mang lại sự buồn cười cho dư luận vì nó chẳng khác nào kiểu “cái trì trệ kiện cái tiến bộ”.
Theo thống kê, tính chung cả năm 2017, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) chỉ đạt doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận 245 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh lao dốc mạnh, thấp nhất kể từ 2013. Vinasun đang lâm vào suy thoái và họ cho rằng Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Grab) là nguyên nhân khiến họ thiệt hại doanh thu, lợi nhuận, phải cắt giảm hơn 8.000 lao động.
Có thể bạn quan tâm
|
Không ít chuyên gia luật cho rằng: “Hình thức hoạt động taxi công nghệ không vi phạm pháp luật, không có điều kiện kinh doanh hay cái gì sai trái. Đó không phải là cái cớ để bắt lỗi, để ngăn cấm taxi công nghệ, họ đang hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, có thể Grab có lỗi sai, chẳng hạn liên quan đến khuyến mại hay xe không không đăng ký kinh doanh... Đây là sai phạm mang tính chất cá nhân doanh nghiệp”.
Còn dưới góc nhìn của dư luận thì câu chuyện Vinasun kiện Grab chẳng khác gì một trò lố. Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm là do dịch vụ lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến kinh doanh thua lỗ. Đó là làm ăn thua lỗ chứ không phải thiệt hại.
Có lẽ, phải tặng thưởng cho Grab, Uber vì họ đã kết nối được người có xe và người cần đi xe. Nhờ họ mà xe nhàn rỗi có thêm thu nhập, người dân thì có xe tốt với giá rẻ để đi. Thậm chí, họ biến nhiều người lái taxi thuê thành ông chủ xe, bởi họ mua xe cho cá nhân, gia đình và chạy thêm taxi công nghệ, không làm thuê cho mấy hãng taxi truyền thống nữa.v..v. Xét cho cùng, về mặt xã hội, công nghệ, kinh doanh... taxi công nghệ làm rất tốt.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhà nước thông qua một số quy định, đề xuất bắt buộc để thắt chặt hoạt động quản lý taxi công nghệ sẽ là những rào cản cho Grab và Uber. Nói cách khác, việc thắt chặt quản lý đó là lẽ đương nhiên và ít nhiều nó sẽ góp phần tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các hãng.
Chẳng hạn như: Yêu cầu lái xe taixi công nghệ đăng ký, đăng kiểm xe dịch vụ; Yêu cầu bắt buộc dán tem trên xe taxi công nghệ… Giả sử, khi bị dán tem, Grab và Uber cũng sẽ bị cấm vào các bãi xe sân bay để đón khách vì ở đó các hãng taxi truyền thống đã bao sân, nơi mà hiện nay Grab và Uber đang kiếm rất nhiều tiền, có rất nhiều khách do chi phí thỏa thuận giảm khá nhiều so với taxi truyền thống. Hoặc, không đi vào phố cấm taxi, giờ cấm... như thế Grab và Uber sẽ mất lợi điểm cạnh tranh khá lớn.
Đó là chưa kể chuyện lái xe taxi công nghệ bị trừ phí từ Grab khá nhiều, khi không còn được hỗ trợ sẽ không còn động lực để tiếp tục mưu sinh vì thực tế thu nhập bây giờ đã không còn cao như trước. Cũng như việc Grab sẽ khó để có mặt ở tất cả 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc giống như taxi truyền thống được vì nhu cầu sử dụng thường xuyên chỉ tập trung ở các thành phố lớn.
Điều này cũng có nghĩa, taxi công nghệ muốn lên “ngôi vương” không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, có bị cạnh tranh thì các ông lớn trong ngành taxi truyền thống cũng không đến mức sẽ “chết tức tưởi” mà Vinasun phải sốt sắng theo kiện Grab như vậy.
Trong khi, sự thất bại của Vinasun và taxi truyền thống phần nhiều ai cũng hiểu không phải là bởi Grab, mà bởi chính bản thân họ đã không chịu thay đổi, đã không nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng để phục vụ, đã không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, đã không nhanh nhạy ứng dụng nó vào kinh doanh để tạo ra những giá trị mới, bước lên những nấc thang phát triển mới, cao hơn.
Suy cho cùng, “ông” Vinasun đang kiện Grab cái gì? Cách mạng công nghiệp 4.0 là như thế đấy! Và đây không phải là cuộc chiến, mà chỉ đơn giản là câu chuyện cạnh tranh và chia sẻ thị phần. Chính nó bắt buộc Vinasun nói riêng và taxi truyền thống nói chung phải nghiêm túc tự xét lại bản thân, tự hoàn thiện dịch vụ của mình nếu muốn tồn tại.