[Thuật ngữ quản trị] Copyright - Microsoft hay Apple giữ bản quyền giao diện đồ họa máy tính

Diendandoanhnghiep.vn Microsoft cho ra mắt hệ điều hành của riêng mình - Windows 1.0 với thanh “thực đơn” và một số yếu tố thiết kế giao diện na ná với Mac OS.

AI GIỮ BẢN QUYỀN GIAO DIỆN ĐỒ HỌA MÁY TÍNH?

Thuở ban đầu, máy tính vốn chỉ dành cho các chuyên gia và doanh nghiệp lớn, nên tất cả đều là giao diện câu lệnh chằng chịt và cú pháp phức tạp. Muốn dùng người ta phải học thuộc các câu lệnh như học ngoại ngữ.

Chính vì thế, giao diện đồ họa thân thiện với người dùng phổ thông (GUI - Graphic User Interface) như hiện nay chắc chắn là một sáng kiến mang tính bước ngoặt trong lịch sử máy tính. Và trận chiến quyết liệt diễn ra giữa 2 hãng công nghệ hàng đầu thế giới Apple và Microsoft bắt nguồn từ câu hỏi đó: Ai giữ bản quyền (Copyright) Giao diện đồ họa người dùng?

Hãng nào sở hữu bản quyền GUI hiển nhiên trở thành đơn vị độc nhất có toàn quyền sao chép, tái sử dụng, phân phối sáng chế này, và hơn hết là thu lời từ nó.

Sáng kiến về GUI vẫn được công chúng tin là thuộc về Apple kể từ sự ra mắt của máy tính cá nhân Macintosh nổi tiếng vào năm 1984. Vào thời đó, đây vẫn là một ý tưởng lạ lẫm. Giao diện với các cửa sổ hiển thị thông tin có thể kéo - thả và các lệnh được thực hiện bằng việc trỏ, nhấp chuột vào biểu tượng và thực đơn chính là các ưu thế độc nhất chỉ có ở Macintosh.

Tuy nhiên ít ai biết rằng, mặc dù là đối thủ cạnh tranh, song Microsoft lại hỗ trợ phát triển Macintosh, đồng thời viết ra các phần mềm hiệu suất cao chạy trên hệ điều hành máy Mac. Trong khi đó, Microsoft cũng có một hệ điều hành MS-DOS của mình, với màn hình đen sì và câu lệnh loằng ngoằng.

Vì “mê mẩn” với ý tưởng của hệ điều hành Mac OS, Bill Gates đã đề xuất việc đưa hệ điều hành của Macintosh lên phần cứng của các hãng thứ ba để Macintosh trở nên thông dụng hơn và thành hệ điều hành chuẩn mực của thế giới lúc bấy giờ thay cho MS-DOS. Bởi theo ông, lợi nhuận biên của phần mềm Microsoft bán trên hệ điều hành của Macintosh cao hơn nhiều lần so với MS-DOS trên IBM.

Trong trường hợp này, 2 bên đều cùng có lợi: Microsoft thu được bộn tiền so với việc kinh doanh MS-DOS, còn Apple thì có thể vượt mặt IBM.

Song Jean-Louis Gassée, người thay thế vị trí của Steve Jobs vào thời điểm đó, đã không cho phép việc này xảy ra vì dù sao họ vẫn là đối thủ. Việc mọi người sử dụng rộng rãi phần mềm của Microsoft dù là trên nền tảng hệ điều hành nào cũng chẳng có lợi gì đối với Apple cả.

Không thuyết phục được Apple, cuối năm 1985, Microsoft cho ra mắt hệ điều hành của riêng mình - Windows 1.0 với thanh “thực đơn” và một số yếu tố thiết kế giao diện na ná với Mac OS.

Là người tiên phong về GUI, hẳn Apple không thể chấp nhận việc Microsoft sao chép, sử dụng và phân phối sản phẩm “đạo nhái” ý tưởng của mình. Tuy nhiên, Apple không đâm đơn kiện, phần vì mối quan hệ giữa 2 hãng: các tín đồ công nghệ của Apple sẽ nghĩ sao nếu biết Microsoft tham gia rất sâu vào quá trình tạo ra Macintosh?

Phần cũng vì các phần mềm của Microsoft thực sự nguồn thúc đẩy doanh số rất lớn cho Macintosh. Do vậy, Apple đồng ý cấp quyền sử dụng một vài yếu tố trong giao diện đồ họa này cho Microsoft, cụ thể là với Windows 1.0 và các sản phẩm khác của Microsoft.

Điều không thể ngờ là trước động thái thiện chí của Apple thì vào năm 1987, Microsoft lại tiếp tục cho ra đời hệ điều hành Windows 2.0 với giao diện giống hệt như của Mac.

Không phải bàn cãi gì thêm, Apple vô cùng giận dữ trước sự “lấn lướt” này và lập tức, vào năm 1988, Apple đã kiện Microsoft ra tòa. Song vì đã trót trao quyền sử dụng một vài yếu tố trên giao diện đồ họa của Macintosh cho Microsoft nên Apple đi vào lập luận rằng “cảm quan và giao diện tổng thể" của hệ điều hành chạy trên Macintosh được bảo hộ bản quyền, chứ không chỉ có tất cả các yếu tố đơn lẻ làm nên giao diện đó.

Tức là dù Microsoft có hiệu chỉnh các yếu tố thiết kế giao diện: nút lớn hay nhỏ hơn, sắp xếp khác đi, khung cửa sổ cong hay vuông,... thì về mặt tổng quan, Microsoft vẫn “đạo nhái” cái cảm quan chung về giao diện thuộc về Apple.

Lập luận về “cái chung chung” bị bác bỏ. Theo yêu cầu của thẩm phán và tòa án, Apple cũng chỉ ra đến 189 yếu tố cụ thể trên giao diện của Windows đã vi phạm bản quyền của Apple. Nhưng tòa án phán quyết 179 yếu tố trong đó đã được cấp quyền sử dụng cho Microsoft. 10 yếu tố còn lại không thể bảo hộ bản quyền được bởi chúng hoặc không bắt nguồn từ Apple, hoặc chúng là các ý niệm không thể thuộc về bản quyền của bất cứ ai.

Trong một diễn biến liên quan, Microsoft một mặt nhận nhượng quyền các yếu tố giao diện đồ họa của Macintosh, một mặt lại đến thăm Xerox - một công ty thiết bị in ấn và công nghệ thống lĩnh thị trường 25 năm trước, cha đẻ của chiếc máy vi tính cá nhân đầu tiên trên thế giới có sử dụng chuột với giao diện đồ họa trực quan - máy tính Alto. Đây cũng được coi là cội nguồn ý tưởng về giao diện đồ họa “đơn giản hoá tối đa” trải nghiệm người dùng. Tại đây, Microsoft đã mua đứt bản quyền GUI từ tay Xerox!

Vụ kiện kéo dài đến 6 năm. Đến cuối cùng, vào ngày 24/8/1993, vụ kiện về bản quyền đi đến hồi kết với phần thắng nghiêng về Microsoft.

Có thể mọi người không thể thấy được tổn hại to lớn mà “kẻ thua” phải chịu trong trận chiến bản quyền trên, bởi lẽ Apple hiện nay gần như đang trên đỉnh cao công nghệ. Nhưng thực tế là vào nửa cuối những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi vụ kiện tụng ngã ngũ, Windows đã vươn lên giành lấy thị trường và tiếp tục cho ra các phiên bản hệ điều hành mới giao diện ngày càng được hoàn thiện cùng các phần mềm tương thích, trong khi Macintosh của Apple bị tụt lại phía sau và gần như thất bại hoàn toàn vào năm 1996.

Không chỉ Microsoft, Apple trên thực tế cũng khởi kiện Hewlett-Parkard, nhưng không thành công, về việc sử dụng các yếu tố như biểu tượng thùng rác và thư mục “na ná” trong hệ điều hành máy tính Lisa và Macintosh của Apple.

Giữa tâm bão, bản thân Apple cũng bị Xerox kiện với cáo buộc rằng Giao diện đồ họa người dùng của Mac là “đạo nhái” ý tưởng Alto. Chắc hẳn Xerox phải tiếc hùi hụi khi đã bán bản quyền cho Microsoft. Và hành động kiện Apple chỉ là mong chờ “kì tích” xuất hiện. Kịch bản đó chẳng bao giờ xảy ra. Song nếu thắng kiện Apple, biết đâu bây giờ Xerox mới chính là thế lực máy tính công nghệ hàng đầu hành tinh, sở hữu trong tay sáng kiến về Giao diện đồ họa người dùng GUI?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [Thuật ngữ quản trị] Copyright - Microsoft hay Apple giữ bản quyền giao diện đồ họa máy tính tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714098411 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714098411 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10