Ở cấp độ cơ sở, cần triển khai những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy, phát triển công nghệ, hoặc đưa công nghệ về Việt Nam.
Tại Masan High-Tech Materials, chúng tôi sản xuất các sản phẩm có vai trò then chốt đối với quá trình chuyển đổi toàn cầu, từ cả góc độ công nghệ cũng như chuyển đổi xanh. Các sản phẩm của chúng tôi như Vonfram, Florit, Đồng được ứng dụng rộng rãi như trong pin xe điện, tua-bin gió, tấm pin năng lượng mặt trời, và các linh kiện bán dẫn. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của chúng đối với quá trình chuyển đổi xanh hiện nay.
Chúng tôi đang phải đối mặt với hai thách thức chính.
Thứ nhất là sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là từ các công ty của Trung Quốc. Họ được Chính phủ hỗ trợ rất lớn từ tài chính đến các khoản trợ cấp, điều này khiến công ty chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều khách hàng của chúng tôi ưu tiên sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hơn là sản xuất tại Trung Quốc, và đây chính là lợi thế cho doanh nghiệp của chúng tôi.
Thách thức thứ hai liên quan đến công nghệ tái chế của chúng tôi. Chúng tôi đã phát triển công nghệ xử lý vật liệu phế liệu thành sản phẩm mới ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong hai năm qua, tốc độ hỗ trợ từ chính phủ và quy trình phê duyệt diễn ra khá chậm, khiến chúng tôi chưa thể xây dựng các trung tâm tái chế và mở rộng các sáng kiến này. Gần đây, chúng tôi đang thấy sự tham gia nhiều hơn từ các cơ quan quản lý của chính phủ Việt Nam, nhưng chúng tôi cần nhiều hỗ trợ hơn nữa.
Thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt và để có thể bắt kịp tốc độ nhanh như vậy, chúng tôi cần các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định nhanh hơn nữa. Nếu không, các nhà máy tái chế phế liệu sẽ được xây dựng ở Campuchia, Lào, Trung Quốc, Malaysia, và các quốc gia láng giềng khác thay vì tại Việt Nam. Chúng tôi đã có công nghệ vượt trội so với các cơ sở này, do đó thách thức lớn nhất của chúng tôi vẫn là nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính phủ.
Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng. Chính phủ hiểu rõ lộ trình thực hiện và đích đến mà họ hướng tới. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ pháp lý hiện tại chưa hoàn toàn hỗ trợ tầm nhìn này, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, bao gồm cả đầu tư nước ngoài, vào cơ sở hạ tầng tái chế và tái sử dụng. Tình hình chính trị tại Việt Nam đã bắt đầu ổn định hơn trong 3 tháng qua, tôi hy vọng rằng việc đưa ra quyết định của cơ quan quản lý sẽ nhanh hơn, tạo điều kiện để chúng ta triển khai nhiều giải pháp cho nền kinh tế tuần hoàn.
Chúng ta cần Chính phủ ra quyết định nhanh hơn. Một mặt, Chính phủ đưa ra chính sách về những gì cần đạt được vào năm 2030. Nhưng ở cấp độ cơ sở, chúng ta cần triển khai những chính sách đó để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy, phát triển công nghệ, hoặc đưa công nghệ về Việt Nam để có thể thực hiện được điều đó Có một tầm nhìn rõ ràng ở các cấp cao trong chính phủ, nhưng có khoảng cách đáng kể ở các cấp thấp hơn. Điều chúng ta cần là chính sách mang tính thực tiễn để tạo ra sự thay đổi khác biệt.