Hòa Bình là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung, phong trào khởi nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, với tư duy đổi mới, nghị lực, ý chí khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, nhiều dự án, chương trình của thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên địa bàn có bước tiến cả về lượng và chất.
>>Techfest Đồng Nai: Truyền cảm hứng và tôn vinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ở vùng cao
Tỉnh Hòa Bình có tổng số trên 160.000 đoàn viên thanh niên, trong đó số lượng đoàn viên là người đồng bào DTTS chiếm đến 70%. Với tư duy đổi mới, nghị lực, ý chí khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, nhiều thanh niên là người DTTS đã quyết tâm bứt phá với các ý tưởng, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp trên địa bàn.
Vinh dự là 1 trong 57 thanh niên tiêu biểu của cả nước nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2021, Trịnh Thị Thanh Hòa - cô gái người Tày với những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đã và đang góp phần từng bước giúp người dân huyện vùng cao Đà Bắc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh đến thị trường trong nước và quốc tế. Cả hai dự án “Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng và sản xuất các sản phẩm của cây sachi theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Đà Bắc” và “Sản xuất sợi tự nhiên từ cây gai lai” đều được chị Hòa triển khai thực hiện, xây dựng vùng nguyên liệu tại các xã vùng cao, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống.
“Điều đáng mừng là khi cây gai lai “bén rễ” trong dự án mới của mình được 1 năm thì cũng là lúc nó mang đến cho chủ nhân niềm vinh dự đặc biệt là giải Vàng cuộc thi Thách thức kinh doanh. Đây là cuộc thi dành riêng cho thanh niên DTTS có sáng kiến khởi nghiệp và kinh doanh đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế địa phương”, chị Hòa cho biết.
Hiện, diện tích trồng cây gai lai từ dự án của chị Hòa đã mở rộng lên hơn 60ha tại các xã Trung Thành, Yên Hòa, Mường Chiềng, Tân Thành (Mai Châu). Đây là cây trồng không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha song mỗi năm lại cho thu hoạch từ 4 - 5 lứa, bình quân đạt 100 - 120 triệu đồng/ha. Qua đó, giải quyết việc làm ổn định cho trên 200 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng.
Cùng với Trịnh Thị Thanh Hòa, những chàng trai, cô gái là người DTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo mang giá trị cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể, tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2021 vừa qua, các dự án của các tác giả, nhóm tác giả người DTTS như: “Du lịch trải nghiệm 4K HAPPYFARM”, “Ứng dụng khoa học công nghệ vào sấy và sản xuất trà bí đao tạo việc làm cho người dân vùng DTTS” đều xuất sắc giành giải cao. Không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các dự án còn góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất quê hương tới bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, tiếp thêm ngọn lửa tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên vùng đồng bào DTTS.
>>Phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia
Xây dựng chiến lược bài bản
Khởi nghiệp đang là phong trào nhận được sự quan tâm của thế hệ trẻ và thanh niên người đồng bào DTTS. Những ý tưởng, dự án đã và đang đóng góp tích cực thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để phong trào sáng tạo khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi hơn nữa, cần những chiến lược phù hợp với tình hình thực tế tại từng vùng, địa phương.
Bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình Hoàng Xuân Giao chia sẻ, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội đã tập trung hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp và thành công trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên DTTS vẫn còn khó khăn trong tiếp cận môi trường, hình thành, sàng lọc ý tưởng, định hướng kinh doanh; thiếu kỹ năng quản lý, lập kế hoạch kinh doanh, marketing và bán hàng... Để giải quyết những vấn đề trên, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã thực hiện hiệu quả Đề án thanh niên Hòa Bình khởi nghiệp, giai đoạn 2018 - 2022; đẩy mạnh kết nối các kênh tư vấn, hỗ trợ đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư, mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, chú trọng tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên, thông qua cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình”. Nhờ đó, phong trào khởi nghiệp ngày càng diễn ra sôi nổi, lan tỏa và phát triển ở nhiều lĩnh vực. Nhiều thanh niên đã trở thành doanh nhân thành đạt, góp sức xây dựng kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng quê hương giàu mạnh.
Thời gian tới, Tỉnh đoàn Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó, chú trọng khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình, giải pháp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với công nghệ số, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào những mô hình khởi nghiệp đã được thực hiện và kể cả những mô hình mới triển khai. “Chúng tôi cũng sẽ là cầu nối để các bạn trẻ được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và những bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công. Từ đó, khơi dậy và thúc đẩy đam mê khởi nghiệp, đưa phong trào khởi nghiệp đến sâu, rộng trong giới trẻ trên địa bàn tỉnh”, ông Hoàng Xuân Giao cho biết.
Có thể bạn quan tâm