Nghiên cứu - Trao đổi

Thúc đẩy kinh tế hợp tác xã

Yến Nhung 01/04/2025 04:00

Kinh tế hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên để mô hình này phát triển bền vững và hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn.

Trong bài viết mới đây về chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định vai trò to lớn của kinh tế tư nhân với đóng góp khoảng 51% GDP, tạo ra hơn 40 triệu việc làm và chiếm 82% tổng số lao động cả nước. Trong khu vực kinh tế tư nhân, không chỉ có các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn mà các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và đặc biệt là các hợp tác xã đang ngày càng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của mình. Mô hình hợp tác xã kiểu mới hiện nay là một hình thức tổ chức kinh tế tư nhân theo hướng hợp tác, liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trở thành một thành tố quan trọng trong nền kinh tế. Các hợp tác xã trong nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, vận tải… ngày nay đã và đang hoạt động theo cơ chế thị trường, vận hành như mô hình doanh nghiệp và có đầy đủ những yếu tố của một tổ chức kinh tế hiện đại, góp phần quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

h3-16817870736391956775224-1697603911199449807638.jpg
Trong khu vực kinh tế tư nhân, không chỉ có các doanh nghiệp lớn, các hợp tác xã đang ngày càng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của mình - Ảnh: ITN

Khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với mô hình này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, sự quan tâm của Tổng Bí thư là động lực to lớn để khu vực hợp tác xã tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây là một tín hiệu quan trọng để các cấp, các ngành hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác xã tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ và thị trường. Sự quan tâm này cũng là cơ hội để hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng liên kết với doanh nghiệp, không chỉ phát triển trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế".

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, mặc dù khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang có những bước phát triển năng động, vẫn còn những trở ngại khiến một số hợp tác xã chưa phát huy hết tiềm năng. Khó khăn lớn nhất mà nhiều hợp tác xã gặp phải là thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư nâng cao hiệu quả, đồng thời thiếu tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, một số hợp tác xã còn chậm thích ứng với thị trường và chưa thực sự đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ.

Để giải quyết những thách thức này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, đặc biệt là về vốn và công nghệ. Cần có chính sách tín dụng và chuyển đổi số riêng cho các hợp tác xã, đồng thời hỗ trợ về liên kết thị trường và đào tạo công nghệ.

Vai trò của chính quyền địa phương các cấp cũng rất quan trọng vì đây là cơ quan quyết định, triển khai và thực thi các chính sách liên quan trực tiếp đến hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã phát triển theo chuỗi giá trị bền vững.

Một yếu tố thuận lợi không thể bỏ qua là xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững của người tiêu dùng, đang ngày càng ủng hộ các sản phẩm của hợp tác xã. Người tiêu dùng tin tưởng rằng hợp tác xã sản xuất theo quy trình được chứng nhận sẽ mang lại sản phẩm sạch và an toàn.

img-0300-1348.jpeg.jpg
Để mô hình này phát triển bền vững và hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn - Ảnh: ITN

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nhấn mạnh, để khu vực kinh tế hợp tác xã chung sức một cách hiệu quả vào khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã cần thúc đẩy liên kết chặt chẽ hơn nữa để trao đổi hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra. Đứng riêng ở góc độ về dòng tiền thì việc liên kết này sẽ giúp cho họ hạn chế sử dụng tiền mặt và có thể sẽ mang lại sự đột phá về dòng tiền. Mặt lợi là không phải kẹt tiền mặt, hàng hóa cũng thông thoáng đi với nhau, không phải “nặng đầu” cho việc xuất hiện tiền mặt.

Theo ông Bình, cơ chế của doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã là quy mô nhỏ, và chính vì nhỏ nên có khi lại linh hoạt. Thành ra trong yếu điểm của họ lại là mặt thuận lợi khi nhắm đến những thị trường ngách phù hợp với sản phẩm mà họ làm ra.

“Với quy mô sản xuất nhỏ thì các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã rất cần tiếp tục có vai trò hỗ trợ của Nhà nước về mặt thị trường đầu ra, nhất là hỗ trợ cho họ vượt qua những thách thức nội tại để tiếp tục bước đi chung cùng nhau, góp phần đưa kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên thịnh vượng”, TS Nguyễn Tấn Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy kinh tế hợp tác xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO