Chuyện làm ăn

Thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng doanh nghiệp phụ trợ

Hải Ngân - Nguyễn Chuẩn 20/07/2025 03:55

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp phụ trợ không chỉ tìm thấy những cơ hội mà còn phải vượt qua hàng loạt các thách thức.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng ông Phạm Trung Tình – Giám đốc Công ty TNHH Ankei Việt Nam, về năng lực phụ trợ của các doanh nghiệp phụ trợ tại Hải Phòng, cũng như những thách thức và giải pháp để nâng cao năng lực này.

img_0069-2-.jpg
Ông Phạm Trung Tình – Giám đốc Công ty TNHH Ankei Việt Nam, một doanh nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng.

- Ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đang chuyển mình thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa và những xu hướng công nghệ mới. Những cơ hội và thách thức lớn nhất là gì, thưa ông?

Trong vài năm qua, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Trước kia, nhiều doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào sản xuất các linh kiện, phụ tùng với quy mô nhỏ lẻ và công nghệ truyền thống. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của toàn cầu hóa và áp dụng các công nghệ số, tự động hóa trong sản xuất, chúng tôi đang nỗ lực chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Thực tế, ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam vẫn chủ yếu “lấy công làm lãi”. Hầu hết máy móc, thiết bị đều phải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Chi phí đầu tư thiết bị cao, nhưng công nghệ lại thay đổi rất nhanh, khiến doanh nghiệp khó khấu hao trong thời gian ngắn.

Hiện tại, các cơ hội lớn đang đến từ việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, khi mà các FDI đến Việt Nam luôn đặt ra yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng sản phẩm. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa của một số sản phẩm đã có xu hướng cải thiện đáng kể nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và việc áp dụng công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở việc nâng cấp năng lực công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI vốn có nguồn lực dồi dào và kinh nghiệm quốc tế. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực như chúng tôi cần tiếp tục đầu tư vào R&D và chuyển đổi số để không chỉ đáp ứng mà còn vượt qua tiêu chuẩn của các đối tác toàn cầu.

- Vậy theo ông, đâu là những công nghệ “đột phá” mà doanh nghiệp Việt nên ưu tiên áp dụng ngay để gia tăng tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng?

Xuất phát từ thực tế, tôi cho rằng, để tối ưu chi phí thì nhu cầu của khách hàng (luôn mua số lượng tối thiểu cùng với hàng hoá có sẵn tồn kho), luôn trái ngược với chuỗi cung ứng (vận chuyển số lượng tối đa và hạn chế đọng vốn do lưu kho). Điều này nó đang tạo ra một thách thức vô cùng lớn cho các doanh nghiệp phụ trợ.

, hách thức lớn nhất vẫn nằm ở việc nâng cấp năng lực công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI
Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam nằm ở việc nâng cấp năng lực công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Họ (những doanh nghiệp FDI trong KCN) luôn đòi hỏi tìm được nguồn hàng chất lượng nhất, và phương án vận chuyển tối ưu nhất. Đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phụ trợ như chúng tôi cũng phải đối mặt với khó khăn về vốn lưu động. Nếu không làm tốt được các điều này thì sẽ xảy ra rủi ro và đánh mất cơ hội kinh doanh.

Để có thể vượt qua những thách thức này, ngoài việc nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cùng với những sáng kiến của một số doanh nghiệp trong việc liên kết và hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta cần có sự thay đổi từ chính nội tại của các doanh nghiệp.

Theo tôi, dể theo kịp quá trình chuyển đổi số hiện nay, cùng những yêu cầu từ các doanh nghiệp FDI trong các KCN, các doanh nghiệp phụ trợ như chúng tôi cần áp dụng một loạt các giải pháp, bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực số, ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật, và đặc biệt là thay đổi tư duy và văn hóa làm việc theo hướng số hóa.

Các công nghệ được coi là đột phá mà các doanh nghiệp nên tiếp cận và áp dụng như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine Learning - ML), Dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích dữ liệu, Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), và Chuỗi khối (Blockchain). Ngoài ra, các công nghệ như Tự động hóa quy trình bằng Robot (RPA) và Thực tế ảo tăng cường (AR) cũng đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay của các doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, chúng ta có thể nhận thấy rằng có rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được những yêu cầu chuyển đổi số trên. Do vậy, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, các sở ban ngành và các công ty hàng đầu về công nghệ cũng như các cộng đồng hay chuỗi doanh nghiệp liên kết có cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số.

- Là một trong những người thuộc Ban điều hành của Hội Cung ứng Khu công nghiệp Việt Nam (TeamKCN), tổ chức nâng cao năng lực và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng KCN, bên ông đã có những động thái nào trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự liên kết chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp FDI trong các KCN?

Để nói vấn đề này, trước hết chúng ta phải nhìn vào thực trạng năng lực của các doanh nghiệp phụ trợ tại địa phương, cụ thể đây là Hải Phòng. Trên thực tế, các doanh nghiệp địa phương như chúng tôi còn yếu về năng lực sản xuất và thương mại. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp FDI trong các KCN thường tìm kiếm các nguồn cung cấp từ các tỉnh khác hoặc nhập khẩu trực tiếp. Chỉ có một số ít doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Để hình dung, chúng ta có thể nhìn vào một con số thống kê. Ngày 30/9/2023, Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã có cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp FDI lớn trên địa bàn thành phố. Kết quả, trong 300 nhà cung cấp cho “gã khổng lồ” LG của Hàn Quốc, chỉ có 11 nhà cung cấp địa phương, trong 200 nhà cung cấp cho Bridgestone Việt Nam chỉ có 6 nhà cung cấp địa phương.

Do đó, để khắc phục những hạn chế trên, một số doanh nghiệp chúng tôi đã tự phát triển sáng kiến thành lập “Team KCN” - một tổ chức liên kết 150 doanh nghiệp phụ trợ tại Hải Phòng. Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ họ tiếp cận và cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho các khu công nghiệp. Trong năm đầu tiên, chúng tôi mặc dù chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn, tuy nhiên, chúng tôi cũng đã đặt những mục tiêu tiếp cận và hợp tác với toàn bộ 18 khu công nghiệp lớn tại Hải Phòng trong thời gian tới, nhằm mở rộng cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp thành viên.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng doanh nghiệp phụ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO