Du lịch

Thúc đẩy phát triển du lịch đường thủy

Minh Châu 24/04/2025 03:24

Để phát triển du lịch đường thuỷ tương xứng với tiềm năng, cần có chiến lược và quy hoạch một cách hoàn chỉnh, bài bản.

Du lịch đường thủy là một loại hình du lịch sử dụng phương tiện đường thủy (tàu, thuyền, du thuyền, ca nô, bè, v.v.) để di chuyển và khám phá các điểm đến du lịch nằm dọc theo sông, kênh rạch, hồ, đầm phá, vịnh hoặc ven biển.

Đặc điểm chính của du lịch đường thủy là các hoạt động chủ yếu diễn ra trên hệ thống sông, hồ, kênh rạch, đầm phá, vịnh hoặc các tuyến đường thủy nội địa. Sử dụng phương tiện vận chuyển thủy như các loại tàu du lịch, thuyền buồm, thuyền rồng, canô, v.v... để di chuyển và chuyên chở du khách trong các chương trình du lịch. Trong các chương trình du lịch đường thủy có nhiều hoạt động phổ biến: du thuyền ngắm phong cảnh thiên nhiên, phố thị; tham quan các di tích ven sông; trải nghiệm chợ nổi, chợ quê ven sông; khám phá hệ sinh thái sông nước; tham quan làng chài, làng nghề truyền thống ven sông; chèo thuyền kayak, v.v.

Trong thời gian vừa qua, tùy theo tài nguyên du lịch mà một số địa phương trong cả nước đã phát triển loại hình du lịch đường thủy rất thành công. Ở Việt Nam, nói đến du lịch đường sông, nhiều người thường nghĩ ngay đến du lịch sông Nho Quế (Hà Giang), sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), sông Hương (Huế), sông Hàn (Đà Nẵng), sông Hoài (Hội An) và sông Hậu (Cần Thơ),...và mới đây là du lịch đường sông Hải Phòng.

Ảnh chụp màn hình 2025-04-23 180111
Du lịch đường sông ở Việt Nam phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Tuy nhiên, đến nay, du lịch đường sông ở Việt Nam phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng do hạ tầng giao thông đường thủy chưa được đầu tư đúng mức; ô nhiễm môi trường; thiếu liên kết trong phát triển du lịch đường sông; bất cập trong công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch…

Nhìn chung, du lịch đường sông phát triển chậm, bỏ phí tài nguyên, thậm chí, các tour du lịch đường sông khai thác kém và nhiều tour hiện có rất ít khách du lịch, có thể phải dừng khai thác.

Điều đáng quan tâm là các địa phương thiếu sự liên kết trong phát triển du lịch đường sông. Các tuyến du lịch đường sông trên sông Mê Kông hay sông Hồng đều có thể trở thành sản phẩm hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do mỗi địa phương lại có chiến lược phát triển riêng, việc thiếu sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành đã dẫn đến nhiều hạn chế trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn. Các tour du lịch hiện nay thường chỉ dừng lại ở việc khám phá một địa phương, mà chưa khai thác hết tiềm năng của cả một vùng rộng lớn. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của du lịch đường sông đối với những du khách mong muốn trải nghiệm đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.

Công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho du lịch đường sông của Việt Nam còn hạn chế. Hiện nay, du lịch đường sông ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh mẽ, một phần do công tác xúc tiến và quảng bá còn yếu làm hạn chế khả năng thu hút du khách và khó cạnh tranh so với các loại hình du lịch khác. Bên cạnh đó, du lịch đường sông Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu và sự nhận diện rộng rãi trên thị trường quốc tế, làm giảm năng lực cạnh tranh với các điểm đến du lịch đường sông nổi tiếng khác trong khu vực như ở Thái Lan, Campuchia.

2204.phat_trien_san_pham_duong_thuy_hp_-2-.jpg
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đưa ra giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy.

Đưa ra kiến nghị nhằm phát triển hiệu quả loại hình du lịch đường thủy, tại Hội thảo Phát triển Du lịch đường thuỷ tại Hải Phòng: Cơ sở và Khoa học, định hướng và giải pháp, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh đến nhóm giải pháp số 6 về xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy, điều mà du khách kỳ vọng được trải nghiệm trong hành trình khám phá của họ. Xây dựng sản phẩm phong phú, chất lượng, đáp ứng được các nhu cầu thị hiếu đa dạng của khách hàng là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm, mô hình phát triển du lịch đường thủy ở một số nước kết hợp chặt chẽ với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra sản phẩm có tính đặc thù, chú ý đến các yếu tố phát triển sản phẩm đa dạng gắn liền du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực trong phát triển du lịch đường thủy.

Bên cạnh đó, việc xây dựng sản phẩm cần chú trọng đến công tác khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường liên kết vùng và đặt biệt là công tác quảng bá, xúc tiến.

Với mục tiêu trở thành một trong những điểm đến du lịch đường sông hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cần tạo dựng thương hiệu bằng việc xây dựng sản phẩm du lịch đường sông mang tính đặc trưng, nổi trội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy phát triển du lịch đường thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO