Trước thực tế còn nhiều khó khăn, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp mang tính then chốt, đột phá để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh trong thời gian tới.
Theo đó, để góp phần đánh giá hiện trạng, cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, ngày 8/8/2024, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đối tác tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Minh Pháp, Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường - Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, việc trao đổi tín chỉ carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đã tham gia Cơ chế Phát triển sạch của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và cơ chế tín chỉ chung (JCM). Hiện có 14 dự án JCM đã đăng ký và khoảng 4400 khoản tín chỉ được cấp vào cuối 2020; 24 dự án theo tiêu chuẩn vàng với gần 5 triệu tín chỉ Tiêu chuẩn vàng (GS) được cấp; 22 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Carbon đã được xác minh (VCS) với khoảng 600.000 tín chỉ.
Theo ông Phát, kinh nghiệm từ các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã chứng minh tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng trước khi tham gia hệ thống giao dịch phát thải ETS. Các tập đoàn này đã thực hiện những bước tiên phong trong việc xây dựng hệ thống ETS nội bộ và thu được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn.
Từ kinh nghiệm quốc tế của các hãng dầu khí trên thế giới, đề xuất cho ngành dầu khí Việt Nam, ông Pháp cho rằng, cần nâng cao mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon.
“Công tác đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN có vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị và tham gia vào thị trường carbon”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, để xây dựng năng lực tham gia thị trường carbon trong tương lai, cần chuẩn bị tốt hơn cho nghĩa vụ tuân thủ mục tiêu giảm phát thải ngày càng chặt chẽ với hệ thống giao dịch phát thải. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ các quy định, hạn ngạch phát thải được phân bổ bởi cơ quan quản lý; cần có nhân lực chuyên trách về quản lý phát thải và tham gia thị trường carbon.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, để thúc đẩy phát triển thị trường carbon, Việt Nam đã ban hành Luật bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn…
Đáng nói, Việt Nam tham gia Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để tận dụng các nguồn lực quốc tế. Thông qua JETP, Việt Nam sẽ nhận được 15,5 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh. Cụ thể, đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030; giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn; giới hạn công suất điện than ở mức 30,2GW (mức kế hoạch dự kiến là 37GW); đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn nhiên liệu này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030 (mức kế hoạch hiện tại 36%).
Để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh trong thời gian tới, GS.TS Lê Anh Tuấn khuyến nghị, cần sớm ban hành khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi. Tăng cường vận hành linh hoạt các nhà máy điện. Đồng thời, nhanh chóng điện hóa các phương tiện vận tải hạng nhẹ và quy hoạch hạ tầng cần thiết.
“Tiết kiệm năng lượng là lựa chọn hiệu quả về chi phí ở hiện tại và tương lai”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đề xuất giải pháp về khung pháp lý và cơ chế chính sách, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần thiết sửa đổi và bổ sung một cách đồng bộ các Bộ luật, bao gồm Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế; Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo; Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...
Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có nhu cầu sử dụng điện đủ lớn. Cùng các giải pháp thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG, và điện gió ngoài khơi…
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đề cập đến tiềm năng, xu hướng một số và lĩnh vực, ngành xanh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam (Hydrogen, xe điện, thị trường tín chỉ các-bon, tài chính xanh...). Cùng những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ; và xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở quá trình chuyển dịch năng lượng xanh và kinh tế xanh hiện nay.