Việt Nam vẫn đang đứng trước thách thức về chính sách, quản lý và vận hành, nhưng đồng thời cũng có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon.
Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực giao dịch sôi động. Tín chỉ carbon không chỉ được xem như một loại hàng hóa mà còn là công cụ thiết yếu để thực hiện cam kết giảm phát thải toàn cầu. Trong đó, Việt Nam có lợi thế rất lớn với trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, hiện thực hóa cam kết Net-Zero, thông qua việc xây dựng các dự án tín chỉ carbon.
Tính toán, tại Việt Nam, mỗi năm ngành lâm nghiệp phát thải 30 triệu tấn carbon, nếu tính số lượng hấp thụ được thì chúng ta đang phát thải âm 40 triệu tấn carbon. Trường hợp mỗi năm chúng ta tăng được hấp thụ carbon từ rừng thì có thể nâng cao được năng suất chất lượng rừng nghèo kiệt và rừng trồng, từ đó thu về 60-70 triệu tấn tín chỉ carbon/năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon rừng. Mục tiêu là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước. Điều này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế lâm nghiệp Việt Nam.
Đánh giá về cơ hội và thách thức trong việc mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng, ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giao dịch tín chỉ carbon rừng hiện nay bao gồm cả hợp tác quốc tế và cơ chế bán tín chỉ tự nguyện, chưa phải là thị trường bắt buộc. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký biên bản ghi nhớ với hai tổ chức quốc tế, chuẩn bị thực hiện giao dịch hơn 10 triệu tín chỉ carbon tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, quá trình triển khai các thỏa thuận này vẫn còn nhiều thách thức.
Bởi, hiện tại Việt Nam chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ carbon. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, thị trường tín chỉ carbon dự kiến đến năm 2028 mới được thiết lập. Khi chưa có thị trường chính thức, Việt Nam nên cho phép triển khai thí điểm và xuất bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế.
“Bên cạnh đó, vấn đề đấu thầu, đấu giá trong giao dịch tín chỉ carbon cũng gây ra nhiều băn khoăn. Nếu là hợp tác quốc tế, giao dịch này không nên bị ràng buộc bởi đấu giá, vì điều đó có thể làm mất cơ hội và lãng phí tài nguyên. Vừa qua, nhiều ý kiến lo ngại Việt Nam đang bán “lúa non” với giá quá thấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá tín chỉ carbon ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên dao động từ 5 đến 10 USD/tấn. Quan trọng hơn, 95% để đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính), đồng thời mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thông qua nguồn thu nhập từ giao dịch này”, ông Hà Công Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, thực hiện phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm mà là niềm tự hào của mỗi người, đi đầu phải là các doanh nghiệp, người dân. Nếu Việt Nam làm tốt sẽ nâng vị thế quốc gia. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được coi là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần thực hiện thành công cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, hướng đến Net-Zero vào năm 2050.
“Để tiến xa hơn, cần khắc phục điểm yếu về pháp lý, đồng bộ hóa các chính sách và đảm bảo lợi ích của người dân”, chuyên gia này đề xuất.
Cùng chung quan điểm rằng cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, Việt Nam đang phát triển chậm do điểm nghẽn lớn nằm ở khung pháp lý.
Chuyên gia này dẫn chứng, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã quy định về rừng trồng và rừng tự nhiên, nhưng lại chưa làm rõ các cơ chế liên quan đến tín chỉ carbon. Nhà đầu tư muốn tham gia cần biết cơ chế chia sẻ lợi ích, song điều này hiện chưa được quy định cụ thể, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án rừng tự nhiên.
“Tuy nhiên, cơ hội lớn từ các dự án rừng trồng. Chỉ tính riêng 2 triệu ha rừng trồng, mỗi ha có thể tạo ra thêm 120 ngàn tấn carbon trong 10 năm. Điều này mở ra triển vọng kinh tế lớn nếu khung chính sách được hoàn thiện và chia sẻ lợi ích minh bạch”, ông Thọ nhấn mạnh.
Do đó, để thị trường tín chỉ carbon vận hành hiệu quả và tiến ra quốc tế, theo ông Thọ, cần có quy trình công nhận rõ ràng. Trước mắt, phát triển thị trường tín chỉ carbon nội địa vẫn là hướng đi khả thi hơn. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ để vừa giảm phát thải, vừa tạo nguồn lực tài chính bổ sung, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và phát triển xanh.
Đặc biệt, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh, Việt Nam đã có kinh nghiệm qua hai chương trình phát triển lâm nghiệp quốc gia, đủ năng lực và đội ngũ để tiếp tục triển khai. Việc giám sát thị trường tín chỉ carbon cần sự quản lý chặt chẽ từ Nhà nước để tránh trùng lặp giao dịch.