Chính trị - Xã hội

Cần hành lang pháp lý cho tín chỉ carbon rừng đặc dụng

Trương Khắc Trà 03/10/2024 03:11

Hàng triệu ha rừng trong các khu bảo tồn là phần không nhỏ trong thị trường tín chỉ carbon Việt Nam.

khu-bao-ton-thien-nhien-6-9476.jpg
Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) với 23.000 hecta rừng có độ che phủ cao. Ảnh: Đ.Đức

Khu bảo tồn này đủ sức đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn của quốc tế cho ra giá bán cao hơn nhiều hiện nay.

Nhiều chuyên gia hiến kế: Để xây dựng thị trường tín chỉ carbon cần có hành lang pháp lý, nguồn nhân lực có chuyên môn cao; cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2027. Tất yếu, trên đây đều là điều kiện cần mang tính vĩ mô để vận hành lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng.

Song, nếu đi sâu vào chi tiết vi mô trong phân khúc tín chỉ carbon rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên sẽ thấy còn tồn tại khá nhiều vướng mắc liên quan đến khung pháp lý quy chủ, chi trả, cách hiểu về chính sách giữa các tổ chức quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Năm 2023, Qũy bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị tiếp nhận 51 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon. Theo quy định số tiền này sẽ được dùng để tập trung cho công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, chi phí quản lý, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) là một trong những đơn vị được thụ hưởng, với 23.000 hecta rừng có độ che phủ cao, đơn giá khoảng 120.000đ/ha, tương đương 2,7 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu tự nhiên, chưa từng có.

Tuy vậy, việc chi trả đến đối tượng thụ hưởng cuối cùng lại lấn cấn, theo quy định nguồn vốn này không được cấp chồng. Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là đơn vị được ngân sách nhà nước cấp hàng năm thì không được sử dụng số tiền 2,7 tỷ đồng nói trên.

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Hoan, Giám đốc BQL Khu bảo tồn nói: “cái khó hiện nay của đơn vị là việc chọn lựa đối tượng thụ hưởng. Nếu chủ rừng (BQL) không được chọn lựa đối tượng thụ hưởng sẽ gây ra khó khăn, bất cập trong quá trình quản lý rừng”. Đơn vị này ký hợp đồng với cộng đồng dân cư để chuẩn hóa hồ sơ chi trả tạm ứng 50% vào cuối năm nay. Ông Hoan cho rằng, nếu trong trường hợp xảy ra sai phạm để mất rừng rất khó quy trách nhiệm xử lý về mặt cá nhân.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nước ta có 181 khu bảo tồn, tổng diện tích khoảng 2,65 triệu ha. Nhưng theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP thí điểm chuyển nhượng kết quả và quản lý tài chính giảm phát thải khí nhà kính, chủ rừng là các BQL chỉ được hưởng 10% nguồn kinh phí từ tín chỉ carbon.

Mặt khác, giá tín chỉ carbon được ERPA Bắc Trung Bộ ký kết với Ngân hàng thế giới mua với giá khá thấp, khoảng 5 USD/tấn. Nhưng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đạt được thỏa thuận với Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) 10 USD/tấn. Ở châu Âu có thể được bán từ 120-150 USD/tín chỉ, các thị trường khác có thể bán 70-100 USD. Vấn đề ở đây là làm sao để nâng giao giá trị cho thị trường carbon Việt Nam? Lý do tín chỉ carbon rừng của Việt Nam chỉ giao dịch được trên thị trường tự nguyện.

Về lâu dài, khi yêu cầu giảm phát thải khắt khe hơn, cần hoạt động theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đặc biệt là xây dựng thị trường carbon nội địa, doanh nghiệp được giao hạn ngạch, giá bán do nhà nước quy định dựa trên khối lượng phát thải chứ không phải thỏa thuận tự nguyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần hành lang pháp lý cho tín chỉ carbon rừng đặc dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO