Mặc dù các loại vaccine COVID-19 hiện nay vẫn đang phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong, nhưng vẫn còn có nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là đối với biến chủng Delta.
Phân tích dựa trên 14.019 trường hợp nhiễm biến thể Delta ở Anh do Public Health England thực hiện cũng cho thấy, vaccine BioNTech/Pfizer và Oxford/AstraZeneca đều cho hiệu quả tốt trong việc giảm tỷ lệ bệnh nhân phải can thiệp ECMO sau hai mũi tiêm.
Có thể thấy, việc triển khai tiêm chủng diện rộng cho thấy hai liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và AstraZeneca vẫn hạn chế 94% nguy cơ nhập viện vì biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ, vốn dễ lây lan hơn chủng nCoV gốc và đang hoành hành khắp nước Anh.
Giới khoa học Anh đánh giá hiệu quả ngăn tử vong nhờ tiêm vaccine cũng có thể đạt mức tương tự, đồng nghĩa với nguy cơ tử vong vì Covid-19 được giảm xuống gần 20 lần so với thông thường.
Trong cuộc trao đổi với Financial Times, Soumya Swaminathan, chuyên gia tại Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Các nghiên cứu về hiệu quả của một số loại vaccine sau khi các nước triển khai tiêm chủng cho thấy khả năng bảo vệ trước các biến thể vẫn ở mức tương đối tốt tốt, đặc biệt là khả năng ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hoặc tử vong. Do đó, ưu tiên quan trọng nhất hiện nay là mở rộng phạm vi tiêm chủng ở tất cả các quốc gia.”
Tương tự, theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu Mỹ về bệnh truyền nhiễm, nói rằng người dân không cần tiêm tăng cường nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19. "Thông điệp rất rõ ràng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm (FDA) đã nói nếu bạn đã được tiêm chủng đầy đủ, bạn không cần tiêm thêm", ông Fauci nhận định. "Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét thực hiện các nghiên cứu để xác định liệu việc tăng mũi tiêm có cần thiết và khi nào nên triển khai.” - Tiến sĩ Anthony Fauci nói.
Đáng chú ý, những người đã được tiêm vaccine mRNA chống Covid-19 như Pfizer hoặc Moderna có thể không cần dùng thêm thuốc tăng cường miễn dịch, với điều kiện virus SARS-CoV-2 và các biến thể không phát triển đến mức kháng những loại vaccine hiện tại. Đối với những người bệnh Covid-19 đã hồi phục và sau đó được tiêm vaccine, họ có thể không cần dùng thuốc tăng cường miễn dịch ngay cả khi virus có thêm biến thể mới.
Các chuyên gia chỉ ra, sau khi bị mắc Covid-19 hoặc được tiêm vaccine, có một cấu trúc đặc biệt được hình thành trong các hạch bạch huyết này. Cấu trúc này sẽ hình thành nên một “chương trình huấn luyện” được áp dụng để các tế bào trong cơ thể ngày càng trở nên tinh vi hơn, nhận dạng nhanh hơn các dấu hiệu di truyền của virus.
Phạm vi hoạt động càng rộng, các tế bào này phải luyện tập càng lâu thì chúng càng có nhiều khả năng ngăn cản các biến thể của virus có thể xuất hiện trong tương lai.
Tuy nhiên, một số loại vaccine khác như Sputnik V của Nga và Coronavac của Trung Quốc vẫn cần làm rõ hơn khả năng đối phó biến chủng Delta. Trước mắt, đánh giá thực tế từ tiêm chủng bằng CoronaVac tại Chile, được công bố trên tạp chí New England Hournal of Medicine mới đây cho thấy loại vaccine bất hoạt của Sinovac đạt hiệu quả 65,9% ngừa Covid-19, 87,5% ngừa bệnh nặng nhập viện, 90,3% ngừa bệnh chuyển biến xấu cần điều trị tích cực và 86,3% ngừa tử vong.
Mặc dù vậy, Peter English, một chuyên gia y tế công cộng trước đây đã tư vấn cho PHE cảnh báo, mặc dù hiệu quả của các loại vaccine hiện nay nói chung là khả quan, nhưng khả năng ngăn ngừa sự lây nhiễm Delta của vaccine đã kém hơn so với các chủng khác.
“Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn gấp nhiều lần so với chủng gốc và các biến thể khác. Tuy nhiên, các loại vaccine hiện nay đều còn nhiều triển vọng phát triển. Chính vì vậy, để ngăn chặn sự lây lan của biến thể, có thể nghiên cứu tiêm bổ sung mũi thứ ba cho nhóm dân số rủi ro cao, hoặc tiêm trộn lẫn hai loại vaccine khác nhau” chuyên gia này khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm