Kinh tế thế giới

Thuế nhập khẩu đồng 50% của ông Trump: Lợi bất cập hại?

Nam Trần 14/07/2025 03:24

Dù thuế 50% đối với đồng nhập khẩu được kỳ vọng phục hồi ngành công nghiệp cơ bản của Mỹ, nhưng đang làm dấy lên lo ngại về chi phí tăng và nguy cơ bị cô lập thương mại.

Kim loại đồng nhập khẩu vào Mỹ từ 1/8/2025 chịu mức thuế 50% (Getty Images)

Vào ngày 9/7/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu từ ngày 1/8. Đây là bước đi mạnh tay chưa từng có với kim loại vốn được coi là huyết mạch trong ngành công nghiệp hiện đại, đặc biệt là năng lượng, xây dựng và công nghệ cao.

Nhưng vấn đề đặt ra liệu thuế đồng có giúp nước Mỹ "thống trị lại ngành công nghiệp", hay chỉ làm tăng chi phí và thổi bùng bất ổn thương mại?

Thuế gấp đôi dự báo, thị trường chao đảo

Kể từ khi ông Trump nêu ý định đánh thuế đầu năm nay, giá đồng tại Mỹ đã tăng vọt do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn. Tuy nhiên, việc áp thuế 50% – gấp đôi mức dự đoán của giới phân tích – đã khiến thị trường rúng động mạnh. Các nhà nhập khẩu đồng gấp rút gom hàng trước hạn chót 1/8, tạo cơ hội cho giới giao dịch hàng hóa. Giá hợp đồng tương lai đồng tại New York lập kỷ lục, với mức chênh lệch so với giá tại London lên tới 28%.

Một lượng lớn đồng từ Chile, Canada và Mexico – chiếm hơn 70% tổng nhập khẩu – đang đổ vào Mỹ. Thậm chí, nguồn hàng ban đầu nhắm đến Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – cũng được chuyển hướng về Mỹ. Trong ngắn hạn, tình trạng đầu cơ và gom hàng này đã tạo lợi nhuận khổng lồ cho một số người, nhưng cũng đặt ra rủi ro tăng chi phí cho các ngành công nghiệp hạ nguồn trong tương lai gần.

Lý do đằng sau thuế

Chính quyền ông Trump viện dẫn lý do an ninh quốc gia cho sắc thuế này. Một sắc lệnh hành pháp hồi tháng 2 yêu cầu điều tra xem việc Mỹ phụ thuộc vào đồng nhập khẩu có tạo ra mối đe dọa nào hay không. Sắc lệnh chỉ ra rằng Mỹ có trữ lượng đồng phong phú, nhưng công suất tinh luyện lại yếu kém, thua xa các đối thủ toàn cầu – đặc biệt là Trung Quốc.

Đồng là thành phần thiết yếu trong sản xuất vũ khí, hệ thống điện, xe điện và công nghệ năng lượng sạch. Việc quá phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài – trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng căng thẳng – có thể trở thành điểm yếu chiến lược. Do đó, thuế nhập khẩu được kỳ vọng là đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư trong nước, giảm phụ thuộc bên ngoài và phục hồi ngành luyện kim đã mai một tại Mỹ.

Mỹ có nhiều mỏ đồng nhưng công suất và công nghệ khai thác thua xa các đối thủ như Trung Quốc (Ảnh: WSJ)

Tuy có nhiều trữ lượng đồng, Mỹ hiện chỉ sản xuất khoảng 850.000 tấn mỗi năm, chưa bằng 60% nhu cầu tiêu thụ (1,6 triệu tấn trong năm 2024). Trong khi đó, năng lực luyện kim nội địa gần như đình trệ – cả nước chỉ còn hai nhà máy luyện hoạt động, tại Arizona và Utah. Ngược lại, Trung Quốc đã xây dựng một hệ sinh thái luyện kim khổng lồ, kiểm soát chuỗi cung toàn cầu.

Ông Trump đã ký sắc lệnh tháng 3 để kích hoạt quyền khẩn cấp của Tổng thống, cắt giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy phát triển các mỏ khoáng mới. Tuy nhiên, xây dựng hoặc tái khởi động nhà máy luyện kim là quá trình chậm chạp, tốn kém và đầy rào cản pháp lý, đặc biệt là về môi trường.

Các dự án như Resolution và Twin Metals hiện bị đình trệ vì chưa được cấp phép, còn nhà máy Hayden (Arizona) bị bỏ hoang nhiều năm. Dù tái vận hành Hayden có thể bổ sung thêm 300 triệu pound đồng cathode mỗi năm, đây vẫn chỉ là bước nhỏ trong một chặng đường dài.

Mỹ đang đi ngược chiều toàn cầu?

Việc đánh thuế đồng trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh càng khiến thị trường thêm căng thẳng. Các hệ thống điện tái tạo, xe điện, trạm sạc, trung tâm dữ liệu... đều đòi hỏi lượng lớn đồng.

Theo nhiều dự báo, nhu cầu đồng toàn cầu sẽ tăng 30% trong thập kỷ tới. Mặc dù đồng tái chế có thể đáp ứng một phần, phần còn lại vẫn phải dựa vào khai thác – vốn ngày càng khó và tốn kém do chất lượng quặng suy giảm và áp lực môi trường.

Trong bối cảnh đó, thay vì hợp tác quốc tế và tối ưu chuỗi cung ứng, việc đơn phương áp thuế có thể khiến Mỹ bị cô lập. Thuế quan có thể thúc đẩy đầu tư nội địa, nhưng trong ngắn hạn sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ và có nguy cơ gây ra phản ứng trả đũa từ các đối tác thương mại.

Thuế nhập khẩu đồng mà ông Trump đề xuất phản ánh một chiến lược công nghiệp rõ ràng: bảo vệ và phục hồi năng lực sản xuất trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế còn là dấu hỏi lớn, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ, và ngành luyện kim Mỹ cần nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, để phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuế nhập khẩu đồng 50% của ông Trump: Lợi bất cập hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO