
Giá trị các thương vụ đầu tư tư nhân (PE) tại Đông Nam Á đã giảm gần một nửa trong sáu tháng đầu năm 2025, khi những bất ổn vĩ mô khiến hoạt động giao dịch chững lại, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế khiến bầu không khí lạc quan đầu năm bị dập tắt.
Theo dữ liệu EY cung cấp cho tờ The Business Times, tổng giá trị đầu tư tư nhân tại khu vực đã giảm 46,6% trong nửa đầu năm nay, còn khoảng 3,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2024, dù số lượng thương vụ lại tăng 12,5% lên 36.
Ở chiều ngược lại, giá trị các thương vụ thoái vốn có hỗ trợ đầu tư tư nhân giảm 40,6%, chỉ còn khoảng 1,1 tỷ USD, cùng với số lượng giao dịch giảm 7,1% xuống còn 13 thương vụ.
Elaine Tan, quản lý cấp cao tại LSEG Deals Intelligence, cho biết sự chững lại rõ rệt này có thể phản ánh sự dịch chuyển sang chiến lược lựa chọn thương vụ cẩn trọng hơn trong bối cảnh áp lực vĩ mô ngày càng lớn.
Bà Kerrine Koh, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đông Nam Á tại Hamilton Lane, đơn vị quản lý và giám sát danh mục tài sản trị giá 956,1 tỷ USD cũng đồng tình và nhận định rằng bối cảnh kinh tế hiện nay đang khiến các nhà quản lý quỹ đầu tư tư nhân trở nên thận trọng hơn.
“Đông Nam Á từ trước đến nay vốn là thị trường thiên về tăng trưởng và khởi nghiệp, dễ bị tác động bởi môi trường thị trường rộng lớn hơn và tâm lý giao dịch. Hoạt động đầu tư đã chậm lại do môi trường huy động vốn ngày càng khó khăn, và các nhà quản lý quỹ đầu tư tư nhân ngày càng cẩn trọng hơn trong việc phân bổ vốn cũng như chiến lược thoái vốn,” bà nói.
Hồi tháng 4, ông Trump đã áp mức thuế lên đến 49% đối với các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sau nhiều thay đổi và tạm dừng, đầu tháng này ông tiếp tục đe dọa tăng thuế đối với hơn chục quốc gia, khiến nhiều nước phải gấp rút đàm phán.
Theo các chuyên gia thị trường, những diễn biến khó lường trong chính sách thương mại của Mỹ đang kéo dài thời gian hoàn tất các thương vụ, khi nhà đầu tư và các nhà quản lý quỹ đầu tư tư nhân phải tính toán lại mô hình tài chính tối ưu.
Nhận định về vấn đề này, ông Johnny Lim, đồng Chủ tịch bộ phận doanh nghiệp toàn cầu khu vực châu Á tại hãng luật Reed Smith cho biết: “Các đội ngũ giao dịch đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc liên tục cập nhật mô hình tài chính và xin phê duyệt lại từ các ủy ban đầu tư khi bối cảnh thị trường thay đổi. Điều này đặc biệt đúng với những thương vụ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, khi các mức định giá trước đó cần được xem xét lại kỹ lưỡng để phản ánh thực tế mới.”
Ngay cả những doanh nghiệp không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan cũng cần thời gian để xem xét hiệu ứng lan tỏa và tác động gián tiếp có thể xảy ra với họ.
Điều này trái ngược hẳn với tâm lý tích cực chỉ cách đây 6 tháng. Khi đó, nhiều người trong ngành kỳ vọng năm 2025 sẽ tiếp tục đà phục hồi của thị trường đầu tư tư nhân tại Đông Nam Á trong năm 2024. Theo EY, số thương vụ đầu tư tư nhân năm ngoái đã tăng 103% lên 67, cao nhất kể từ năm 2018, còn giá trị tăng vọt 221% lên 15,8 tỷ USD. Với các thương vụ thoái vốn, 27 thương vụ đạt tổng giá trị 5,9 tỷ USD.
Giá trị các thương vụ năm nay cũng khiêm tốn hơn, chỉ có một thương vụ vượt mốc 1 tỷ USD: khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD vào Yinson Production Offshore, công ty con của Yinson Holding (Malaysia) do liên minh các nhà đầu tư gồm một công ty con thuộc Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi, các quỹ do British Columbia Investment Management và RRJ Capital quản lý thực hiện.

Đứng thứ hai về giá trị là thương vụ thoái vốn của Blackstone khỏi Avery Lodge, công ty nhà ở cho lao động tại Singapore thông qua việc bán cho Bain Capital với giá 556,3 triệu USD. Thương vụ lớn tiếp theo cũng là một thương vụ tại Singapore, khi Mapletree Industrial Trust bán ba bất động sản cho Brookfield Asset Management với giá 418,4 triệu USD.
Ngược lại, trong nửa đầu năm 2024, thương vụ lớn nhất là mua lại Malaysia Airports Holdings trị giá 3,1 tỷ USD bởi liên minh gồm Quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional và BlackRock. Theo sau là khoản đầu tư 1,3 tỷ USD vào STT Telemedia Global Data Centres do KKR và Singtel thực hiện.
Việc vắng bóng các thương vụ quy mô lớn ở phần còn lại của Đông Nam Á trong năm nay được các chuyên gia cho là do tâm lý thận trọng của các nhà quản lý quỹ đầu tư tư nhân và nhà đầu tư.
Điều này càng rõ rệt hơn với các thương vụ lớn và phức tạp, vốn đòi hỏi quá trình thẩm định kỹ càng và bị kéo dài do yêu cầu pháp lý và thủ tục phê duyệt sáp nhập.
Về triển vọng những tháng còn lại của năm 2025, các chuyên gia trong ngành tỏ ra thận trọng nhưng vẫn lạc quan. Hai thương vụ được theo dõi sát sao từ cuối năm ngoái nếu hoàn tất trong năm nay sẽ giúp giá trị đầu tư tư nhân tại Đông Nam Á tăng vọt.
Thương vụ lớn nhất là việc Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) và KKR bán 80% cổ phần tại tập đoàn bệnh viện tư Metro Pacific Health của Philippines. Thương vụ có thể định giá Metro Pacific Health ở mức 3,2 tỷ USD, đồng nghĩa người bán có thể thu về khoảng 2,6 tỷ USD. Blackstone và TPG được cho là hai bên dẫn đầu đàm phán.
Thương vụ còn lại là việc KKR bán công ty Goodpack, đơn vị cung cấp dịch vụ container và logistics có trụ sở tại Singapore, ban đầu định giá 1,8 tỷ USD khi được công bố vào tháng 10/2024. Tuy nhiên, theo BT, giá trị hiện đã giảm còn khoảng 1,5 tỷ USD. Các bên quan tâm bao gồm I Squared Capital (Mỹ), Apollo Global Management và Brookfield.
Ngoài hai thương vụ nổi bật kể trên, chuyên gia Kerrine Koh cho rằng hoạt động đầu tư tư nhân sẽ sôi động trở lại khi các bất ổn kinh tế giảm bớt và Đông Nam Á tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng “Trung Quốc + 1”, với chuỗi cung ứng ngày càng mở rộng trong khu vực.
Bà Kerrine Koh cũng nhận định các lĩnh vực công nghệ như trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy khối lượng giao dịch, bên cạnh các ngành công nghiệp và y tế.
Các chuyên gia đồng thuận rằng, nhìn chung triển vọng đầu tư tư nhân cả năm này vẫn tích cực, và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sự quan tâm đến các lĩnh vực dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện giao dịch kéo dài và các bất ổn vĩ mô vẫn dai dẳng, có thể khiến phần lớn hoạt động quan trọng phải chuyển sang năm 2026.