Trong lúc giá phân bón thế giới tăng mạnh, phân bón sản xuất trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu, thuế tự vệ như “vòng kim cô” góp phần đẩy giá phân bón trong nước tăng cao.
Trao đổi với PV DĐDN, ông Vũ Duy Hải - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Vinacam cho biết, doanh nghiệp vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ban Kinh Tế Trung ương, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Phân Bón Việt Nam về việc xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu bổ sung cho nhu cầu ở Việt Nam.
Theo ông Hải, thời điểm hiện tại, việc tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ và thuế nhập khẩu đang thực sự phản tác dụng. Phân DAP trong nước khan hiếm khiến giá tăng vọt làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản, người chịu thiệt hại cuối cùng là nông dân. Mỗi tấn DAP nhập khẩu hiện nay, Thuế tự vệ sẽ làm tăng thêm khoảng hơn 1,1 triệu đồng/tấn. Điều này sẽ tăng thêm gánh nặng cho người nông dân. “Nếu nhà nước gỡ bỏ tạm thời Thuế tự vệ phân bón nhập khẩu cho vụ Xuân - Hè này, các doanh nghệp nhập khẩu sẽ lập tức giảm giá tương ứng. Như vậy, điều này gián tiếp hỗ trợ người nông dân.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ Công thương cho biết sẽ giữ nguyên việc áp Thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu. Đại diện Cục phòng vệ Thương mại – Bộ Công thương cho rằng Thuế tự vệ đã tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu. Đồng thời Thuế tự vệ chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng chi phí sản xuất của nông dân, do vậy có dỡ bỏ Thuế tự vệ hay không cần có số liệu cụ thể từ thị trường.
Cho đến nay, việc đánh giá chính xác số liệu phân bón tồn kho trên cả nước vẫn chưa cụ thể. Ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam dẫn ra hàng loạt số liệu về sự bất cập của ngành phân bón. Cụ thể, báo cáo thường niên ngành phân bón của AgroMonitor năm 2020 cho thấy, tổng lượng sản xuất phân DAP tại Việt Nam là 391.000 tấn vào năm 2020. Theo số liệu thống kê hải quan, sản lượng xuất khẩu DAP từ Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 127.000. Với việc đẩy mạnh xuất khẩu như vậy, lượng hàng còn để tiêu thụ trong nước trong năm 2020 còn khoảng 264.000 tấn.
Như vậy, để bù vào lượng thiếu hụt DAP trong nước, trong năm 2020, Việt Nam cần nhập khẩu 678.000 tấn, với Thuế tự vệ trong năm 2020 ở mức 1.050.662 đồng/tấn, tính ra người nông dân Việt Nam gánh số thuế phòng vệ 711 tỷ đồng để sử dụng phân bón ngoại nhập, trong khi hàng trong nước được bảo hộ lại xuất khẩu sang các thị trường Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc. Như vậy khác nào chính sách Nhà nước Việt Nam đưa ra để có lợi cho nông dân nước ngoài?
Đáng chú ý, ông Sơn cho hay, các nhà máy DAP trong nước lại xuất khẩu 21.643 tấn DAP trong tháng 1/2021 và 20.000 tấn trong tháng 2/2021. Giá xuất khẩu đều thấp hơn giá DAP Vinachem bán trong tháng 1/2021 tại thị trường nội địa. Do đó, chính sách áp thuế phòng vệ lên DAP chỉ để cho các nhà máy này xuất khẩu và không đem lợi lại cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Một số lưu ý khi thực hiện quyết toán thuế TNCN
04:00, 17/03/2021
Áp thuế chống bán phá giá tạm thời với đường nhập khẩu từ Thái Lan: Các bên cùng có lợi
10:58, 15/03/2021
Những cá nhân thu nhập “khủng” qua mạng hết đường “né” thuế
11:01, 14/03/2021
Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất: Cần sớm ban hành chính sách
05:00, 13/03/2021