Sau Hiệp định Bàn Môn Điếm, tiếng súng đã tạm thời chấm dứt tại vùng đất này, nhưng tình trạng chiến tranh và căng thẳng tiếp tục kéo dài đến ngày nay.
Hãy nhắc lại một chút về lịch sử mối quan hệ này. Đánh giá chung về quan hệ Mỹ - Triều là một mối quan hệ đối đầu kéo dài từ thời điểm cuộc chiến tranh Triều Tiên cho đến ngày nay. Vào năm 1950-1953 cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên đã nổ ra. Kết quả của cuộc chiến tranh là bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai miền ở vĩ tuyến 38.
Sau Hiệp định Bàn Môn Điếm, tiếng sung đã tạm thời chấm dứt tại vùng đất này, nhưng tình trạng chiến tranh và căng thẳng tiếp tục kéo dài đến ngày nay. CHDCND Triều Tiên được Trung Quốc và Liên Xô trước đây giúp đỡ, còn Hàn Quốc được Mỹ và các nước phương tây hậu thuẫn. Điều đó đã biến mảnh đất này thành một trong những điểm “nóng” nhất của giai đoạn chiến tranh Lạnh.
Năm 1989, chiến tranh Lạnh chấm dứt, tiến trình hòa bình và quan hệ quốc tế dần được xác lập ở nhiều nơi nhưng không phải trên bán đảo Triều Tiên. Đây chính là một điểm khác biệt.
Có thể thấy ở đây, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc vào năm 1975 bằng việc hai miền Bắc - Nam thống nhất không còn chia cắt tại vĩ tuyến 17; Đông Đức và Tây Đức đã thống nhất vào năm 1990, chấm dứt đối đầu Đông Tây…
Như vậy, cùng với việc chia cắt trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ giữa Mỹ - Triều Tiên tiếp tục ở trong tình trạng chiến tranh. Lí giải cho vấn đề này, có thể thấy sự hỗ trợ của các cường quốc đứng đằng sau có tác động không nhỏ.
So sánh với trường hợp của Việt Nam và CH liên bang Đức, Việt Nam có thể kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước, bên cạnh những vấn đề nội lực như ý chí nguyện vọng của người dân và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng… có một yếu tố quan trọng là Mỹ đã kí Hiệp định Paris năm 1973 và rút khỏi cuộc chiến tranh.
CH liên bang Đức cũng vậy, nếu như năm 1989 khi chiến tranh Lạnh không chấm dứt, và nếu Liên Xô cũ không đồng ý cam kết rút khỏi CH liên bang Đức thì tiến trình thống nhất của đất nước này cũng nhiều khó khăn. Tất nhiên cùng với đó, không thể không nhắc đến ý chí của người Đức cũng góp phần đẩy nhanh sự thống nhất đất nước.
Có thể thấy việc các cường quốc rút khỏi vị trí chiếm đóng của mình cũng là một yếu tố quyết định không nhỏ. “Hiệp định 4 + 2” là 4 cường quốc là Mỹ, Liên Xô cũ, Anh và Pháp cùng sự đồng ý của hai nước Đức thời bấy giờ đã đem lại sự thống nhất nước Đức.
Với Triều Tiên và Hàn Quốc, đứng đằng sau là sự tham gia của 4 cường quốc. Trong tiến trình xóa bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trước đó đã có Hội nghị đàm phán 6 bên gồm hai miền Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Nhưng các bên đều không tìm được tiếng nói chung. Do đó, một lời tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa được đưa ra.
Cùng với đó, việc Triều Tiên tiến hành thực hiện các chương trình hạt nhân và thử nghiệm hàng loạt vụ thử nghiệm tên lửa ở các tầm khác nhau và gần nhất là đất nước này đưa ra tuyên bố có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ đã làm quan hệ giữa hai nước trở nên đối địch.
Trước tình hình đó, Mỹ cũng như Liên Hợp Quốc đã đưa ra phán quyết trừng phạt Triều Tiên bằng những lệnh cấm vận, hạn chế thương mại… để nước này phải xóa bỏ toàn bộ những chương trình hạt nhân.
Cho đến năm 2018, tình hình đã có sự chuyển biến tích cực, khởi đầu bằng việc hai nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên tổ chức ba cuộc hội nghị Thượng đỉnh gần nhau. Cũng qua trung gian Hàn Quốc, mối quan hệ Mỹ - Triều đã có tiến triển, dẫn đến ngày 12/6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp đầu tiên tại Singapore.
Sự kiện này không chỉ quan trọng với quan hệ song phương, mà có ảnh hưởng đến khu vực và trên thế giới, mở ra triển vọng mới trong tiến trình xóa bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên và tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Tuy nhiên, sau cuộc gặp lần đầu tiên đã không có nhiều thay đổi xảy ra. Điều này đã dẫn đến cuộc gặp lần hai diễn ra vào ngày 27-28/2 sắp tới tại Việt Nam.
Điều này có thể thấy rõ khi lịch sử của Mỹ và Triều Tiên trong hơn 60 năm qua đều cho thấy các cuộc đàm phán giữa hai bên đều rơi vào bế tắc. Nhưng cách tiếp cận thực tế của hai nhà lãnh đạo trong việc lấy lợi ích kinh tế, hòa bình và thịnh vượng làm điều kiện chính đã dẫn đến sự thay đổi.
Người ta có thể phê phán Tổng thống Trump do quan điểm cực đoan của ông về chủ nghĩa đa phương nhưng phải thừa nhận rằng ông là một nhà lãnh đạo có cách nhìn mới và khác biệt về vấn đề của Triều Tiên.
Theo quan điểm của tôi, “cần phải vào hang cọp mới bắt được cọp”, có nghĩa là phải dùng cách đối thoại trực tiếp với đối thủ của mình mới hiểu được người ta mong muốn gì. Và các thông tin hiện nay cũng cho thấy Triều Tiên không phải như người ta vẫn nghĩ.
Họ cũng luôn sẵn sàng hợp tác và không phải họ là quốc gia “cứng đầu cứng cổ”, bảo thủ và không muốn thay đổi. Kim Jong-un cũng không phải là một nhà lãnh đạo có quan điểm quá cứng rắn như những đánh giá của nhiều nhà quan sát.
Cuộc gặp ở Singapore cho thế giới thấy hai nhà lãnh đạo có những hành động thân thiện, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Đây là hành động mang ý nghĩa quyết định cho sự thay đổi trong quan hệ hai nước.
Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đã có nhiều hành động hàn gắn mối quan hệ như căng thẳng tại khu vực biên giới đã giảm xuống, hai bên giảm bớt lực lượng, đường ray được nối lại, giảm bớt trạm gác, loa tuyên truyền, giao lưu giữa nhân dân hai bên đang được tiến hành… cho thấy tiến trình hòa bình tại đây hứa hẹn nhiều triển vọng
Có 3 luồng quan điểm xung quanh vấn đề này. Một là có khả năng Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế sau nhiều năm bị bao vây, cấm vận và phụ thuộc vào 1,2 nước đã không đảm bảo cho xã hội phát triển. Do đó, khi không có đủ tài chính để đầu tư, không có thị trường để buôn bán, không có nguyên vật liệu để sản xuất, công nghệ để phát triển đã buộc Triều Tiên phải thay đổi.
Lí do thứ hai là việc gặp gỡ là một trong những cách Triều Tiên kéo dài thêm thời gian để đất nước này giảm bớt sự khó khăn. Triều Tiên đã từng thực hiện biện pháp này. Đây cũng là một chiến thuật.
Và khả năng thứ ba là hiện nay Triều Tiên đang rất mạnh. Họ đủ năng lực và ở thế ngang ngửa so với các cường quốc khác nhờ nắm trong tay thứ vũ khí rất mạnh là hạt nhân. Điều này đã khiến Triều Tiên không còn e dè bất kì một quốc gia nào. Do đó, họ sẵn sàng đàm phán như một quốc gia bình đẳng.
Điều này có thể thấy rõ ở hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc với phong thái vô cùng tự tin.
Ông Kim lên nắm quyền từ khi còn rất trẻ, và không ai tin nhà lãnh đạo trẻ này có thể mang lại sự thay đổi cho Triều Tiên. Nhưng trong năm 2018, ông đã thực hiện hàng loạt những cuộc gặp với các nhà lãnh đạo các cường quốc. Điều này cho thấy rằng đất nước Triều Tiên, hoặc ít nhất là người lãnh đạo đất nước đã có vị thế cao hơn trước. Tôi cho rằng, đây cũng là khả năng lớn nhất.
Tôi cho rằng, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ không bứt ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Chúng ta hãy lấy một vài ví dụ để cho thấy, một nước nhỏ khi sống cạnh một nước lớn không nên và không dại gì bứt ra khỏi nước đó. Cụ thể chính là trường hợp của Ukraina và Nga.
Ukraina và Nga trong quá khứ có mối quan hệ thân thiết. Nhưng khi Ukraina muốn thoát ra khỏi nước Nga ngay lập tức đã phải trả cái giá rất đắt là vùng đất Crưm. Tương tự như vậy, Triều Tiên sẽ không bứt ra khỏi Trung Quốc để nhận một phản ứng, và chắc chắn sẽ là một phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trước mỗi lần gặp Tổng thống Trump hay Tổng thống Hàn, người ta đều thấy ông Kim đến Trung Quốc tham vấn với Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là hành động khẳng định quan hệ hai nước luôn chặt chẽ. Nền kinh tế của Triều Tiên cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc.
Bản thân Trung Quốc cũng không dễ dàng để Triều Tiên bứt ra khỏi mình. Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền bạc và xương máu trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Triều Tiên nhiều năm đã trở thành vùng đệm cho vùng biên giới của Trung Quốc. Mặt khác, có thể Trung Quốc sẽ khó để Triều Tiên thống nhất với Hàn Quốc vì đẩy biên giới của những nước không cùng phe với Trung Quốc sát vào Trung Quốc.
Với cuộc gặp lần này, Triều Tiên cũng đã cử nhiều cán bộ tham vấn với Trung Quốc. Việc ông Kim Jong-un lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa qua Trung Quốc cũng là một hành động cho thấy sự tin cậy của Triều Tiên với Trung Quốc.
Họ mong muốn rất nhiều, nhưng có thể sẽ ưu tiên cho việc đạt được một tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh. Cụ thể hơn có thể là việc dỡ bỏ cấm vận của Mỹ và Liên Hợp Quốc với Triều Tiên để tạo điều kiện cho triều tiên có giao thương buôn bán.
Đây cũng là lần đầu tiên ông Kim đến thăm Việt Nam và cũng có thể ông muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam khi ông đến sớm trước Tổng thống Trump. Việt Nam trong quá khứ cũng bị bao vây cấm vận, cũng từng ở trong tình trạng đối đầu với Mỹ. Điều đó đặt cho ông Kim nhiều câu hỏi, Việt Nam đã thay đổi như thế nào và bằng cách nào? Từ đâu?
Do đó, có hai mục tiêu của ông Kim trong cuộc gặp lần này. Đó là hòa bình và cơ hội, kinh nghiệm mở cửa cải cách. Làm thế nào một đất nước cũng chỉ có một Đảng lãnh đạo nhưng tạo ra sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội và hội nhập thế giới? Làm thế nào để Việt Nam trở thành đối tác của Mỹ?
Có thể ở Việt Nam, ông Kim sẽ tìm ra kinh nghiệm làm thế nào để bảo đảm một đảng trong chính trị nhưng đa thành phần trong kinh tế.
Mỹ rất quan tâm đến sự mở cửa nền kinh tế của Triều Tiên. Mỹ đã trải qua 45 đời Tổng thống, và ông Tổng thống thứ 45 là một vị Tổng thống rất khác. Ông làm tất cả những điều các đời Tổng thống trước không làm.
Ông đả phá chủ nghĩa đa phương, rút Mỹ ra khỏi các Hiệp định Thương mại đa phương trên toàn thế giới. Ông bắt tay với những đối thủ trong quá khứ và ra những quyết định gây choáng váng. Ông tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, điều các vị Tổng thống trước đây không dám làm vì đây là một thị trường lớn.
Ông đã sử dụng quyền lực của Tổng thống một cách tối đa và đặc biệt ông dành ít niềm tin cho sự tuyên truyền của các phương tiện truyền thông mà tự mình kiểm chứng. Điều này gây nhiều bất ngờ cho cả cộng sự lẫn đối thủ của mình. Đây là ngoại giao không mang chất truyền thống mà mang nhiều sự phá cách và không bài bản.
Mục đích của Mỹ khi đến cuộc gặp lần này có lẽ phần nhiều dành cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Và có lẽ đây không chỉ là mong muốn của riêng Mỹ mà còn là của toàn thế giới.
Chúng ta đều biết sự nguy hiểm của việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng ngay lập tức xóa bỏ chương trình hạt nhân thì rất khó. Vũ khí hạt nhân là công cụ duy nhất của Triều Tiên và cũng là con bài để Triều Tiên tiếp tục sử dụng để đàm phán.
Do đó, rất có thể cuộc gặp lần này sẽ có một cam kết phi hạt nhân và một lộ trình để thực hiện dần dần từng bước. Và tùy thuộc vào kết quả và những hành động sau cuộc gặp lần này tại Việt Nam, trong tương lai sẽ có những cuộc gặp lần 2, 3…
Việt Nam sẽ có những thay đổi khác sau cuộc gặp lần này. Việc lựa chọn Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng với cả hai bên. Cả Mỹ và Triều Tiên đều chọn Việt Nam do đây là đất nước từ chiến tranh, chia cắt, nghèo nàn lạc hậu đã vươn lên trở thành một đất nước hòa bình, thống nhất và thịnh vượng.
Với Mỹ, Việt Nam từ kẻ thù trở thành đối tác. Với Triều Tiên, từ mô hình kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường.
Việt Nam - đất nước của hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng đã trở thành mẫu số chung và mục đích của cuộc gặp lần này. Và Hà Nội, Thủ đô vì hòa bình được kỳ vọng sẽ góp phần kiến tạo hòa bình giữa hai quốc gia đã từng đối đầu gay gắt trong quá khứ.