Thương mại Xanh và thuế carbon cho tương lai Việt Nam

JACQUES MORISSET - Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam 18/01/2022 11:00

Tất cả các công cụ trên thị trường vốn sẽ rất quan trọng để giảm mức độ dễ bị tổn thương và giúp ngành thương mại Việt Nam có khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai.

>>> Quản lý rủi ro môi trường trong tín dụng: Thúc đẩy tài chính bền vững

Nếu nhìn lại những năm trước và chọn điều gì tích cực, tuyệt vời nhất cho Việt Nam những năm qua, thì đó chính là thương mại. Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về thương mại, nhưng trong những năm tới, điều Việt Nam cần làm chính là điều chỉnh chính sách thương mại, vì thế giới đã bước vào một cuộc cách mạng công nghệ mới, và vì biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

 Phát triển chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi có thể đem lại cơ hội xuất khẩu -

Theo Ngân hàng Thế giới, phát triển chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi có thể đem lại cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Nhà máy Đông Hải 1 của Trung Nam Group, dự án điện gió lớn nhất miền Tây vừa được khánh thành (nguồn: TNG)

Thương mại Việt Nam cần thay đổi

Lý do đầu tiên khiến Việt Nam cần thay đổi về thương mại là công nghệ. Hầu hết các doanh nghiệp đến Việt Nam đều mang theo công nghệ ít lao động hơn, và tạo ít việc làm hơn. Nếu đi thăm các nhà máy mới ở Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ thấy máy móc nhiều hơn công nhân. Vì vậy, thương mại từ doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ tạo việc làm ít hơn hoặc tạo việc làm có bản chất khác so với trước đây.

Lý do thứ hai là thương mại Xanh. Nếu nhìn vào bản đồ với sự phân bổ của các khu công nghiệp trên bản đồ hình chữ S, chúng ta sẽ thấy những khu công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam đều nằm gần cảng, và vì vậy gần biển; chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi những cơn bão nhiệt đới, nước biển dâng và ngập lụt. Ngành nông nghiệp, xuất khẩu gạo cũng dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Không chỉ các điểm sản xuất phải hứng chịu thiên tai, mà mức độ tổn thương của ngành giao thông cũng là vấn đề đáng lo ngại. Hãy nghĩ về tác động tiêu cực của mùa mưa bão đối với vận chuyển hàng hải vốn chiếm khoảng 70% tổng giá trị thương mại. Ngân hàng Thế giới ước tính giá trị thương mại toàn cầu có thể giảm từ 10%-20% vào năm 2050 nếu không có hành động gì được thực hiện để bảo vệ ngành thương mại trước sự biến đổi khí hậu. Sự sụt giảm này thậm chí có thể lớn hơn với Việt Nam.

Việt Nam sẽ cần điều chỉnh chính sách thương mại vì ô nhiễm không khí. Trong báo cáo, chúng tôi ước tính lượng khí phát thải carbon từ ngành thương mại bằng 1/3 tổng lượng khí phát thải của cả nước. Điều này là do quy mô của khu vực xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP ở Việt Nam và khu vực chế biến chế tạo có lượng khí phát thải carbon cao gấp đôi so với ở Trung Quốc và gấp khoảng 7 lần so với mức trung bình của các nước OECD.

Việt Nam đã ứng phó như thế nào?

Việt Nam đã bắt đầu xanh hóa khu vực xuất khẩu. Năm 2020, Việt Nam đã là nước xuất khẩu hàng hóa môi trường, hay hàng hóa xanh lớn thứ 3 trong Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Malaysia. Đây là một thành tích khá quan trọng. Thị trường xuất khẩu chính các sản phẩm môi trường của Việt Nam là Mỹ, chủ yếu là pin mặt trời.

Nhưng Việt Nam còn nhiều việc phải làm hơn nữa. Áp lực từ cộng đồng quốc tế đã gia tăng trong những năm qua. Nhiều quốc gia muốn có sản phẩm xanh và sạch. Chúng ta chắc chắn đã nghe về việc Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đang xem xét đánh thuế carbon tại biên giới của họ - Cái gọi “cơ chế điều chỉnh biên giới”. Ý tưởng rất đơn giản, họ muốn các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm “bẩn” sang đất nước họ, phải trả nhiều tiền hơn để những doanh nghiệp này có động lực chuyển sang sản xuất những sản phẩm sạch hơn.

Chúng tôi đã thử thực hiện mô phỏng để đánh giá chi phí này đối với các nhà sản xuất xuất khẩu của Việt Nam và thực sự kết quả không quá tệ: Hầu hết các mặt hàng đánh thuế cao sẽ là các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng như nhô, sắt, xi măng, thép và Việt Nam không xuất khẩu nhiều các sản phẩm này qua khu vực châu Âu.

Từ nhiều nghiên cứu khác nhau bao gồm cả Ngân hàng Thế giới, chúng tôi được biết hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi. Hầu hết người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh và sạch. Chúng ta có thể thấy các sản phẩm dán nhãn màu xanh lá cây được sử dụng ngày càng nhiều bởi các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, thậm chí ở thị trường mới nổi; và xu hướng này sẽ không giảm đi theo thời gian. Áp lực này đang đến từ thế hệ trẻ - người tiêu dùng chính trong tương lai.

Nhiều công ty đa quốc gia tại Việt Nam cũng đang thay đổi hành vi trong lĩnh vực điện tử, nơi các doanh nghiệp như Apple và các doanh nghiệp khác đã cam kết xây dựng chuỗi cung ứng sạch. Trong ngành may mặc, các công ty may mặc như Nike hay HM cũng cam kết. Những cam kết đó sẽ có tác động lớn với Việt Nam vì đừng quên là 80% xuất khẩu của Việt Nam ra các nước khác là từ các công ty đa quốc gia này.

Việt Nam rõ ràng phải điều chỉnh chính sách thương mại, nếu muốn giữ chân những doanh nghiệp này và thu hút những doanh nghiệp mới trong tương lai.

Tương lai của ngành thương mại ở Việt Nam rõ ràng là thương mại Xanh; hàm ý 2 điều: Thứ nhất, là cần xây dựng một ngành thương mại có khả năng chống chịu tốt hơn; Thứ hai, là cần giảm phát thải carbon ngay trong ngành này.

Những việc cần làm để có một ngành thương mại tốt hơn

Như đã giải thích ở trên, nhiều doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp Việt Nam đang nằm trong các khu vực dễ chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, Chính phủ và tư nhân cần phải phối hợp giải quyết. Họ sẽ phải cần các công cụ lập kế hoạch và đánh giá rủi ro tốt hơn để xây dựng các khu công nghiệp, các cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn. Nếu điều đó là bất khả thi thì nên xem xét di dời đồng thời cần giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương trong ngành thương mại. Điều này có thể được thực hiện thông qua các quy định về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng và xây dựng bao gồm cả trong chính sách mua sắm công.

Phát triển tài chính xanh, ngân hàng xanh

Chính phủ cần khuyến khích phát triển công cụ chia sẻ rủi ro để khuyến khích và bảo vệ doanh nghiệp, ví dụ như bảo hiểm và tài chính xanh thông qua các công cụ thị trường vốn. Tất cả các công cụ này sẽ rất quan trọng để giảm mức độ dễ bị tổn thương và giúp ngành thương mại Việt Nam có khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai.

Chiến lược thương mại trong tương lai cũng nên giảm lượng phát thải carbon và nên giảm mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Chính phủ có thể hành động trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy quá trình này. Dưới đây là 6 giải pháp có thể được xem xét:

Một, sử dụng các công cụ đánh giá. Như đề cập ở trên là Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đang xem xét sử dụng thuế carbon tại các biên giới để  khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu từ những quốc gia khác sẽ áp dụng công nghệ sạch, nhưng doanh nghiệp không điều chỉnh sẽ có khả năng cạnh tranh kém hơn. Đối với Việt Nam, sẽ tiết kiệm chi phí hơn nếu đánh thuế carbon trong nước. Tại sao như vậy? Vì kết quả đạt được là tương tự nhưng số tiền thu được sẽ ở lại Việt Nam chứ không phải để bổ sung cho ngân khố của Liên minh châu Âu hay Hoa Kỳ, sau đó Chính phủ Việt Nam có thể sử dụng số tiền này để cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước, giúp các ngành công nghiệp trong nước thích nghi với một thế giới mới đang yêu cầu các sản phẩm xanh.

Hai, tăng cường các quy định trong nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải hoạt động theo những tiêu chuẩn mới để bán được sản phẩm ra nước ngoài. Chính phủ có thể xây dựng nhiều chương trình nâng cao năng lực để hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hiệu quả các quy định này.

Ba, đơn giản hóa các thủ tục cần thiết để kinh doanh các sản phẩm xanh hay các sản phẩm môi trường. Mặc dù thuế nhập khẩu hiện nay đối với các sản phẩm này thấp nhưng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với khoảng 200 hàng rào phi thuế quan bao gồm một số đợt kiểm tra của các cơ quan khác nhau. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội để các cơ quan chức năng đơn giản hóa những thủ tục này, bao gồm cả áp dụng số hóa.

Bốn, thúc đẩy các khu công nghiệp sinh thái và khuyến khích FDI vào những lĩnh vực xanh. Về vấn đề này, các cơ quan chức năng có thể sử dụng những ưu đãi về thuế để đảm bảo công ty đa quốc gia chuyển giao công nghệ xanh và sạch cho nhà cung cấp của họ và cho các doanh nghiệp khác trong nước. Chiến lược này rất hiệu quả ở Trung Quốc và các nước láng giềng, và Việt Nam có thể nhân rộng.

Năm, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất xanh mới nổi đang gặp khó khăn được tiếp cận nguồn tài chính, cơ sở hạ tầng bao gồm cả đất đai.

Cuối cùng và quan trọng, là sử dụng các Hiệp định thương mại song phương, khu vực và đa quốc gia. Các Hiệp định này có những hành động cụ thể về cách giảm phát thải carbon và xanh hóa thương mại, dựa trên các thông lệ hiện hành ở các nước tiên tiến hơn như Singapore, Malaysia hoặc Liên minh châu Âu. Trước đây, Việt Nam đã tận dụng thành công các Hiệp định này và bây giờ có thể làm điều tương tự để phát triển thương mại Xanh trong tương lai.

Thương mại Xanh cần trở thành một mục tiêu ưu tiên của Việt Nam. Tương lai của Việt Nam cần phải xây dựng một ngành thương mại có khả năng chống chịu tốt hơn và ít phát thải carbon hơn. Nếu không làm được như vậy, ngành thương mại sẽ không chỉ làm tăng mức độ ô nhiễm không khí vốn đã rất cao theo tiêu chuẩn quốc tế, gây ra thiệt hại về người, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việt Nam sẽ mất đi một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất, khiến việc thực hiện các khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thương mại Xanh và thuế carbon cho tương lai Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO