Để kiến tạo một nền thương mại xanh, bền vững, hiện đại, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu tại Diễn đàn Thương mại Xanh 2025, bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, gần đây nhất, Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 tại Quyết định số 1568/QĐ-BCT ngày 03/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 về định hướng phát triển xanh, tuần hoàn như: Tỷ lệ sản phẩm thương mại điện tử (TMĐT) sử dụng bao bì nhựa giảm xuống còn tối đa 45%; Tỷ lệ sản phẩm TMĐT sử dụng bao bì là chất liệu có thể tái chế đạt 50%; Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng năng lượng sạch trong logistics cho TMĐT đạt ít nhất 40%; Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn chuỗi cung ứng xanh cho TMĐT đạt ít nhất 50%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao việc ra mắt Sàn giao dịch B2B xanh. Theo bà, sự hình thành sàn giao dịch B2B xanh sẽ là nền tảng quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp xanh hóa chuỗi cung ứng một cách dễ dàng, có khả năng kết nối rộng rãi với nhiều ưu thế vượt trội so với phương thức giao dịch truyền thống trước đây.
“Điều này sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng phát thải các-bon thấp và tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá.
Đồng thời, để kiến tạo một nền thương mại xanh, bền vững, hiện đại, Phan Thị Thắng đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
Một là, tiếp tục hoàn thiện các thể chế, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và quy định về phát triển thương mại xanh, bền vững trong từng lĩnh vực; tăng cường các chính sách phát triển thuận lợi nhất cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, áp dụng công nghệ Internet of Things (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tối ưu hóa quy trình, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nguồn năng lượng sạch trong sản xuất và tăng khả năng dự báo, phục vụ phát triển xanh, bền vững.
Ba là, đề xuất các chương trình hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia các sàn thương mại điện tử B2B xanh. Các hỗ trợ này có thể bao gồm đào tạo kỹ năng số, tích hợp các công cụ quản trị và truy xuất nguồn gốc xanh.
Bốn là, thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình liên kết chuỗi cung ứng nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt, hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ hơn trong hệ sinh thái của mình cùng nhau "xanh hóa", từ đó giảm "dấu chân carbon" một cách đồng bộ và hiệu quả.
Năm là, ưu tiên nguồn lực nâng cao nhận thức của người dân, cùng nhau xây dựng một văn hóa tiêu dùng xanh trong toàn xã hội, nơi người tiêu dùng ý thức được vai trò của mình, ưu tiên và sẵn sàng lựa chọn các sản phẩm xanh. Đây chính là động lực thị trường mạnh mẽ nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi.
Đồng thời, bà cũng mong muốn được lắng nghe những góc nhìn thẳng thắn, tâm huyết từ thực tiễn, những trăn trở, khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang phải đối mặt; Ví dụ như những những thách thức trong việc tiếp cận công nghệ mới, tiếp cận nguồn tài chính, các giải pháp chuyển đổi năng lượng sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững và các rào cản kỹ thuật về môi trường, khí hậu ở các thị trường lớn trên thế giới.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia của các cơ quan trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và toàn thể người dân, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu trong phát triển thương mại xanh, qua đó đưa Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu về kinh tế xanh, phát triển thương mại điện tử bền vững trong khu vực và trên thế giới”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chia sẻ thêm.
Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn , Đại học Quốc gia TP HCM, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế đồng thời có cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh.
PGS, TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng, doanh nghiệp xanh cần gắn với thực chất các giải pháp CSR, ESG, Net-Zero trong hệ sinh thái doanh nghiệp từ đó hình thành các “câu chuyện”. Các mô hình kinh tế tuần hoàn có thể cung cấp các giải pháp trong việc huy động nguồn lực.
Quá trình chuyển đổi xanh (yêu cầu thiết yếu) trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức (tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên) đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của nhà nước
Đồng thời, tiếp tục xây dựng và cập nhật khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn (các Quỹ đầu tư/tài trợ, mô hình hợp tác kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực).
“Cần mô hình thí điểm, vai trò “dẫn dắt” của doanh nghiệp đầu ngành, cùng phối hợp với nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Lồng ghép các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các bộ ngành và địa phương. Bên cạnh đó, cần có đề án cụ thể, mô hình thí điểm tuy nhiên áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn” - PGS, TS Nguyễn Hồng Quân đề xuất.