Từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phiếu SAB của Sabeco đã giảm mạnh khoảng gần 20%. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi đây có phải là dấu hiệu của một cuộc “hôn phối” thất bại?
Báo cáo tổng quan về thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam cho thấy, thị trường M&A Việt Nam đã trải qua một thập kỷ sôi động. Trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008.
Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016.
Trong đó, thương vụ kỷ lục nhất của thập kỷ thuộc về Thaibev (Thái Lan), thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), công ty bia lớn nhất Việt Nam, trị giá gần 5 tỷ USD đã được tạo lập trong năm 2017. Thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A của năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2016.
Nếu tính mức giá Thaibev mua Sabeco là 320.000 đồng/cổ phiếu thì SAB đang mất gần 40%. Đóng cửa giao dịch ngày 24/7, giá cổ phiếu của SAB nằm ở mức sàn, chỉ còn 210.000 đồng/cổ phiếu giảm 34% so với mức giá 320.000 hồi cuối năm ngoái.
Điều này đã đặt ra một câu hỏi là liệu rằng những thương vụ M&A lớn như Sabeco hay Vinamilk có thực sự thành công hay không khi giá trị cổ phiếu có xu hướng giảm mạnh sau khi sáp nhập.
Trả lời cho câu hỏi trên, bà Lê Hải Yến, Phó giám đốc khối IB Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, đơn vị tư vấn cho tiến trình thoái vốn tại Sabeco, khẳng định để đánh giá mức độ thành công của thương vụ này, cần xem xét nhiều yếu tố: trước hết là hiệu quả mục tiêu nhà nước đặt ra khi thực hiện thoái vốn và sau đó là những lợi ích doanh nghiệp thu được khi có nhà đầu tư tham gia vào.
"Sau khi ThaiBev tiếp quản Sabeco, đã có những thay đổi mạnh mẽ, tích cực trong việc kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, từ đấy người hưởng lợi là tất cả các cổ đông chứ không chỉ là cổ đông lớn", bà Yến chia sẻ.
Cũng theo bà Yến, giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác trên thị trường, và nhiều khi chiến lược mua của nhà đầu tư mang tính dài hạn. "Nếu chúng ta chỉ đánh giá trong ngắn hạn là 6 tháng dựa trên giá cổ phiếu thì chưa thể kết luận được", bà Yến cho biết.
Cùng trả lời về vấn đề này, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam khẳng định còn quá sớm để nói thương vụ giữa ThaiBev và Sabeco thành công hay không vì "vụ này mới diễn ra cách đây mấy tháng, chưa được một năm". Việc có thành công hay không là phải tuỳ thuộc vào người bán và người mua chứ không chỉ qua những con số trên thị trường chứng khoán. Quan trọng hơn, nhà đầu tư ThaiBev vào Sabeco không phải để đầu tư chứng khoán, nên câu chuyện lên xuống không ảnh hưởng đến chất lượng giao dịch.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 23/07/2018
04:30, 13/07/2018
12:30, 10/06/2018
06:30, 14/05/2018
Ông Thinh cũng cho rằng nếu nhìn từ phía nhà nước, đây là giao dịch thành công vì đã bán được vốn, thu về khoản tiền tương đối lớn. Còn từ phía người mua, bây giờ vẫn đang là quá trình chỉnh đốn doanh nghiệp vừa tiếp quản, còn nhiều vấn đề hậu sát nhập như: kinh doanh thế nào trong tương lai, gìn giữ doanh nghiệp thế nào, thương hiệu Việt còn không hay chuyển hoàn toàn sang Thái, làm thế nào để vận hành Sabeco hiện tại như một phần của ThaiBev,...
"Tất cả những câu chuyện ấy cho thấy nói thương vụ này có thành công hay không còn là quá sớm. Hãy chờ đợi", ông Thịnh kết luận.