Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Cao Minh Tâm, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang cho biết:
Quy chế giải quyết thủ tục đầu tư theo mô hình "một cửa tại chỗ" đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào các KCN - CCN, tạo được lòng tin, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh tại tỉnh.Theo ông Tâm, lũy kế đến nay, các CCN Tiền Giang thu hút 79 dự án với tổng vốn đầu tư 4.401,87 tỷ đồng với diện tích thuê đất là 78,58 ha. Kết quả thu hút đầu tư trên rất đáng khả quan, đạt được kết quả như kế hoạch đã đề ra.
- Những lĩnh vực mà Tiền Giang định hướng tập trung thu hút đầu tư trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Chúng tôi tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Cụ thể, Tiền Giang định hướng thu hút đầu tư vào các ngành nghề: điện; công nghiệp cơ khí - lắp ráp; sản phẩm gỗ; sản xuất thiết bị hàng gia dụng; các sản phẩm về da; sản xuất dược phẩm, hóa dược, mỹ phẩm và thiết bị y tế; chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu mới và đặc biệt thu hút các ngành nghề công nghiệp phụ trợ công nghệ cao.
- Để nâng chất dòng vốn đầu tư, vấn đề chọn lọc nhà đầu tư được Ban quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang quan tâm mức độ nào, thưa ông?
Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang chú trọng thu hút những nhà đầu tư hội tụ các ưu điểm: đủ năng lực tài chính, sử dụng thiết bị - công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều quyết định ưu đãi cho các nhà đầu tư vào các KCN - CCN.
Ngoài ra, Ban quản lý cũng tập trung tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tài chính, uy tín, kinh nghiệm đầu tư các KCN thành công để thực hiện đầu tư, xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN - CCN nhằm chuẩn bị tất cả các điều kiện về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ tiện ích công cộng khác phục vụ hiệu quả yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN - CCN.
- Với mức độ chọn lọc như vậy, hẳn Tiền Giang đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu trong năm 2018?
Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để thu hút đầu tư như sau: Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp cho thuê tại Khu công nghiệp Long Giang.Lựa chọn nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng KCN Soài Rạp; lựa chọn nhà đầu tư KCN Tân Phước 1. Thứ hai, chúng tôi triển khai xây dựng hạ tầng CCN Gia Thuận 1 và CCN Gia Thuận 2 để thu hút đầu tư. Thứ ba, lựa chọn nhà đầu tư vào CCN Tân Lý Đông, CCN Mỹ Phước Tây, CCN Thạnh Tân và một số CCN khác.
Năm 2017, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Tiền Giang chuyển biến theo hướng tích cực, xếp hạng 40/63 tỉnh với 61,44 điểm, tăng 8 bậc so với chỉ số PCI năm 2016. Với nhiều giải pháp đồng bộ, trong 10 chỉ số thành phần PCI, tính năng động của chính quyền tỉnh Tiền Giang là chỉ số thành phần có điểm số cải thiện nhiều nhất, tăng 1,5 điểm so với năm 2016, kế đến là chỉ số phản ánh dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng 1,04 điểm so với năm 2016. Việc cải thiện chỉ số PCI không chỉ phản án nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành của các cấp chính quyền trong tỉnh theo hướng thực chất, hiệu quả mà còn góp phần hỗ trợ và thúc đẩy thu hút đầu tư. |
- Tiền Giang đang và sẽ phải cạnh tranh với nhiều địa phương khác trong hoạt động thu hút đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp có giải pháp gì để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, hiệu quả thu hút đầu tư?
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút nguồn vốn FDI, Ban quản lý các KCN Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý các KCN - CCN; Quy chế quản lý môi trường; Quy chế giải quyết thủ tục đầu tư tại các KCN - CCN trên địa bàn tỉnh theo mô hình "một cửa tại chỗ". Đồng thời nêu cao phương châm "sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư và luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong KCN – CCN”.
Đây cũng chính là công tác thu hút đầu tư tại chỗ thành công nhất của các KCN - CCN thời gian qua. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều quyết định ưu đãi cho các nhà đầu tư vào các KCN - CCN.
Ngoài các chính sách hỗ trợ về thủ tục đầu tư, nhà đầu tư còn được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho các lao động, hỗ trợ các chi phí từ Quỹ xúc tiến thương mại của tỉnh khi doanh nghiệp tham gia Hội chợ, Triển lãm trong và ngoài nước cùng các chính sách ưu đãi khác.
Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện phương châm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình. Công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là thực hiện tốt mô hình "một cửa tại chỗ".
Cụ thể Ban quản lý đã thực hiện các quy trình giải quyết công việc theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; các quy trình được xây dựng rõ ràng, cụ thể, đúng quy định, dễ thực hiện và được niêm yết công khai tại cơ quan và trang thông tin điện tử của Ban. Tất cả các vấn đề phát sinh cần giải quyết của doanh nghiệp trong các KCN - CCN được tiếp nhận và giải quyết tại Ban quản lý các KCN. Đây là một trong những điểm mạnh, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào các KCN - CCN, tạo được lòng tin giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh tại tỉnh Tiền Giang.
- Cảm ơn ông!