Tiền Giang chủ động tìm đầu ra cho trái cây

LÊ TRANG 25/08/2021 11:26

Tiền Giang đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp gỡ khó, giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa, đặc biệt là trái cây, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

  Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kiểm tra tình hình tiêu thụ khóm trên địa bàn huyện Tân Phước

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kiểm tra tình hình tiêu thụ khóm trên địa bàn huyện Tân Phước

Với trên 80 ngàn ha cây ăn trái, thu hoạch xấp xỉ 1,5 triệu tấn mỗi năm, chiếm gần 15% sản lượng trái cây cả nước, Tiền Giang vốn dĩ được mệnh danh là "vương quốc trái cây". Tuy nhiên, nguồn cung dồi dào cũng sẽ là một áp lực rất lớn khi phải giải “bài toán” đầu ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Nguy cơ “đứt gãy” chuỗi cung ứng

Khả năng tồn đọng nông sản, nhất là đối với trái cây, có thể xảy nếu không chủ động có các giải pháp cụ thể. Bởi, diện tích vườn cây ăn trái chờ thu hoạch của Tiền Giang còn khá lớn, trong khi giá bán giảm sâu cùng với nguy cơ đứt gãy của chuỗi cung ứng tạo nên áp lực lớn đối với nông dân.

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy đến cuối tháng 8 có 950 ha vườn cây ăn trái chuẩn bị vào vụ thu hoạch, gồm: Chôm chôm 625 tấn/25 ha, mít 65 tấn/900 ha, sầu riêng 320 tấn/14 ha trên tổng 15.635 ha.

Theo ông Trần Quốc Bình, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy: Khó khăn của người dân và doanh nghiệp thời điểm này là giá các mặt hàng nông sản rất dễ biến động. Nguyên nhân một phần là do thương lái ít vì việc đi lại, vận chuyển hàng hóa khó khăn và phát sinh thêm nhiều chi phí khác; thị trường tiêu thụ bị giới hạn; chi phí tăng; thiếu công lao động và hạn chế trong lựa chọn phương tiện vận chuyển nông sản.

Dù lưu thông hàng hóa đã được cải thiện, nhưng đầu ra sản phẩm của thương lái rất hạn chế và khó thuê nhân công do dịch bệnh, nên việc thu hoạch, thu mua nông sản còn khó khăn...

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Tiền Giang cho biết: Tính đến đầu tháng 8/2021, sản lượng thu hoạch trái cây toàn tỉnh khoảng 34.800 tấn, trong đó có 80 tấn thanh long tiêu thụ chậm. Con số thống kê lũy kế từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đến nay, toàn tỉnh có khoảng 106.895 tấn trái cây đã cho thu hoạch (ổi 25.841 tấn, mít 28.802 tấn, chanh 18.030 tấn, khóm 13.193 tấn, bưởi 6.779 tấn, thanh long 6.197 tấn, sầu riêng 2.372 tấn...).

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để đảm bảo đầu ra cho trái cây, ngoài nỗ lực của người dân, việc các sở, ngành, địa phương có liên quan phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp để khơi thông tiêu thụ trái cây trên địa bàn tỉnh là cần thiết và cấp thiết.

Tạo chuỗi liên kết

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong khâu sản xuất, ngành đã kịp thời nắm thông tin để phối hợp với các đơn vị, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp hỗ trợ kết nối, có phương án hỗ trợ cụ thể, điều phối lưu thông hàng hóa nông sản, hạn chế tình trạng tồn đọng, không tiêu thụ được. Lãnh đạo Sở cũng thường xuyên đến địa phương để nắm bắt các khó khăn của HTX, doanh nghiệp trong việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, để có kiến nghị tháo gỡ.

Đặc biệt, trong thực hiện hỗ trợ kết nối tiêu thụ, Sở NN-PTNT đã xây dựng kênh thông tin để kết nối tiêu thụ như: Tạo Group Zalo của HTX, doanh nghiệp để trao đổi, chia sẻ các thông tin và kết nối thị trường tiêu thụ.
“Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch, khả năng cung ứng và nhu cầu hỗ trợ nguồn tiêu thụ; phối hợp nắm thông tin khả năng cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản trên địa bàn; phối hợp với Sở Công thương để cân đối nhu cầu và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu để đề xuất phương án về nguồn cung hàng hóa từ đầu mối là các HTX, doanh nghiệp của các địa phương.”- ông Mẫn chia sẻ.

Để giải quyết bài toán đầu ra cho trái cây, trước mắt, toàn tỉnh đã có 30 hợp tác xã và 13 doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ ổn định với hệ thống các siêu thị như: Saigon Co.op, Vinmart, Bách Hóa Xanh,... với sản lượng tiêu thụ tăng hơn 3 - 5 lần so với ngày thường, đồng thời có 55 đầu mối cung cấp nông sản cho Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT; 26 doanh nghiệp, HTX tham gia Cổng Thông tin kết nối cung cầu của Sở Công Thương TP.HCM;... Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cũng đã cung cấp thông tin của 15 HTX, doanh nghiệp tiêu thụ rau củ trên địa bàn cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để giới thiệu đăng ký bán sản phẩm qua sàn Sendo.

Tuy nhiên về lâu dài, ông Mẫn cho rằng, cần sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn GAP; nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản để vận chuyển đến thị trường xa; Tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất trái cây rải vụ, hạn chế thu hoạch sản phẩm đồng loạt với số lượng lớn. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi ngành hàng đẩy mạnh xúc tiến thương mại các mặt hàng trái cây nhằm tăng độ phủ thị trường nội địa...

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế

    Tiền Giang xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế

    11:23, 20/08/2021

  • Tiền Giang bảo vệ “vùng xanh” trong sản xuất

    Tiền Giang bảo vệ “vùng xanh” trong sản xuất

    15:15, 13/08/2021

  • Tiền Giang kiểm tra đồng loạt 32 cửa hàng vật tư nông nghiệp

    Tiền Giang kiểm tra đồng loạt 32 cửa hàng vật tư nông nghiệp

    16:33, 11/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền Giang chủ động tìm đầu ra cho trái cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO