Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch là 04 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang.
Theo dự kiến, nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong thời gian tới rất lớn, tổng nguồn vốn huy động khoảng 649.000 – 663.560 tỷ đồng, tăng bình quân 10,5 - 11,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng 246.601 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng trên 403.000 tỷ đồng.
Đột phá chiến lược
Trong đó, Tiền Giang xác định phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch là 04 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Tiền Giang từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Tiền Giang định hướng thu hút phát triển công nghiệp chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu từ nay đến năm 2025. Sau năm 2025 tập trung chuyển mạnh sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng có hiệu quả, thân thiện môi trường. Trong đó, lựa chọn một số ngành công nghiệp nền tảng để ưu tiên phát triển trên cơ sở các nguyên tắc: lợi thế cạnh tranh của địa phương; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và gia tăng xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước. Ưu tiên thu hút các dự án trong các lĩnh vực trọng điểm như: Chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, dược phẩm, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử; ưu tiên các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao, sử dụng ít nhân lực và tài nguyên.
Tiền Giang cũng xác định, thu hút các ngành thương mại dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao: dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục – đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, logistics, du lịch MICE, du lịch sinh thái và các dịch vụ hiện đại khác.
Riêng đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, Tiền Giang sẽ đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao trong nông nghiệp giúp tăng sản lượng và hạn chế sự ảnh hưởng tác động đến môi trường.
Lĩnh vực đô thị và nhà ở, Tiền Giang ưu tiên thu hút đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh
Theo ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Tiền Giang đã xác định rõ ngành, lĩnh vực ưu tiên để tập trung nguồn lực đầu tư. Tỉnh ưu tiên tập trung thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại thân thiện với môi trường đóng góp lớn cho ngân sách như: điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, thiết bị y tế... công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. Thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trung tâm thương mại, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp... sử dụng nguồn lực lao động tại địa phương, tạo việc làm ổn định. Đồng thời, thu hút các ngành thương mại dịch vụ có lợi thế và tạo ra giá trị gia tăng cao: dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục – đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, logistics và các dịch vụ hiện đại khác. Ưu tiên các doanh nghiệp, dự án sử dụng ít đất, ít tác động đến môi trường, mang tính bền vững.
Đa dạng hoá nguồn lực đầu tư
Trong định hướng phát triển, Tiền Giang coi trọng thu hút cả nội lực và ngoại lực, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; đa dạng hóa việc huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để tập trung đầu tư phát triển; đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tỉnh khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, lâu dài, có khả năng tài chính lớn, đầu tư ổn định, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.
Đối với đầu tư trong nước, Tiền Giang ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch. Tỉnh có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được thành lập. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với các doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, chú trọng các nước phát triển, tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới.
Đối với đầu tư công, tỉnh Tiền Giang định hướng đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược về giao thông nhằm góp phần thu hút các thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó tỉnh Tiền Giang ưu tiên đầu tư các dự án kết nối liên vùng, đặc biệt là liên kết 03 vùng trong tỉnh và liên kết các tỉnh trong vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ. Các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, tuyến kết nối giao thông đối ngoại với vùng, các tỉnh có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, thành phố Cần Thơ, tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long... Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với những khu vực có vai trò động lực của tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng ưu tiên đầu tư các dự án cấp điện phục vụ sản xuất, trọng tâm là các khu, cụm công nghiệp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm