Tiền Giang giữ vai trò cửa ngõ Đồng bằng Sông Cửu Long

PHAN NAM - LÊ TRANG thực hiện 15/12/2022 11:29

Những năm gần đây, Tiền Giang đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh, thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng “tích hợp không gian và thị trường” là cơ sở pháp lý quan trọng để kết nối đồng bộ, khắc phục những “điểm nghẽn” thúc đẩy Tiền Giang phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vị trí cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Cải cách hành chính được coi là bước đột phá trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tiền Giang những năm gần đây, xin ông cho biết những nền tảng đã được thiết lập?

Hiện nay, cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang bao gồm 01 cổng chính và 33 trang thông tin điện tử thành phần và có các trang thông tin điện tử thành phần của cơ quan ngành dọc, đoàn thể và trường học nhằm cung cấp các thông tin của ngành và các đơn vị trực thuộc, cũng như công khai minh bạch các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đều có liên kết đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh có chức năng thống kê kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cho phép người dân và doanh nghiệp tra cứu tình trạng và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), nộp hồ sơ trực tuyến.

Đến nay, đã có 1.852 dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, mức độ 2 có 128 thủ tục; mức độ 3 có 356 thủ tục (215 thủ tục cấp sở ngành, 141 thủ tục cấp huyện và cấp xã); mức độ 4 có 1.368 thủ tục (1.193 thủ tục cấp sở ngành, 175 thủ tục cấp huyện và cấp xã).

Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh triển khai theo mô hình quản lý tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và được triển khai trên quy mô toàn tỉnh đảm bảo khả năng liên thông giữa các cơ quan, đơn vị. Hệ thống một cửa điện tử đã số hóa các thông tin trên giấy và các quy trình thủ công (bao gồm dịch vụ công mức 2, mức 3 và mức 4); triển khai các ứng dụng số lấy người dân là trung tâm như: Tổng đài dịch vụ công 1022 tỉnh Tiền Giang, ứng dụng TienGiangS,…

 Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: Gia Phú

Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: Gia Phú

- Nỗ lực trên đã tác động như thế nào đến kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của Tiền Giang, thưa ông?

Về thu hút đầu tư, trong 11 tháng năm 2022, tỉnh đã thu hút được 16 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.448 tỷ đồng, tăng 10 dự án và vốn đầu tư gấp 4,67 lần so với cùng kỳ năm 2021. Có 06 dự án điều chỉnh tăng vốn là 1.712 tỷ đồng, bằng 42% so cùng kỳ năm 2021. Nâng tổng vốn đầu tư thu hút mới 11 tháng đầu năm đạt 6.160 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Ước thực hiện cả năm 2022, tỉnh thu hút được 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.214,41 tỷ đồng, số dự án tăng 70%, vốn đầu tư tăng 92% so với năm 2021. Trong đó, thu hút 9 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.604,13 tỷ đồng, tăng 2 dự án, vốn đầu tư gấp 3,16 lần so với năm 2021; thu hút 8 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 919 tỷ đồng, tăng 5 dự án, vốn đầu tư gấp 15,9 lần so với năm 2021; có 7 dự án đăng ký tăng vốn 5.691,5 tỷ đồng (1 dự án trong nước tăng vốn 32,2 tỷ đồng, 6 dự án nước ngoài tăng vốn 5.659 tỷ đồng), tăng 38,3% so với năm 2021.

Hoạt động phát triển doanh nghiệp cũng có nhiều khởi sắc. 11 tháng năm 2022 đã có 869 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 6.424 tỷ đồng ( vượt 29,7% kế hoạch năm, tăng 72,4% về số doanh nghiệp và tăng 48,4% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2021). Ước thực hiện cả năm 2022 có 920 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 37,3% kế hoạch; tổng vốn đăng ký là 6.810 tỷ đồng. Ước đến cuối năm 2022, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là 6.100 doanh nghiệp.

- Xin ông cho biết định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới?

Tiền Giang tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh sẽ tập trung vốn nhà nước vào đầu tư đồng bộ các công trình, dự án trọng yếu; ưu tiên đầu tư các công trình nhằm phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,...

Mục tiêu của tỉnh trong năm 2023 là thu hút các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, công nghiệp công nghệ cao ít thâm dụng lao động, giảm tỷ lệ các dự án gia công, ít ảnh hưởng đến môi trường; mời gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Tiền Giang tập trung mời gọi đầu tư từ các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., mời gọi đầu tư các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư trên địa bàn tỉnh tạo động lực lan toả.

  Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh trao đổi hồ sơ thiết kế ý tưởng Khu Du lịch sinh thái Hòa Hưng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh trao đổi hồ sơ thiết kế ý tưởng Khu Du lịch sinh thái Hòa Hưng

- Về lâu dài, theo ông đâu là động lực thúc đẩy Tiền Giang phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế với vị trí là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành viên của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

Tiền Giang có vị trí đắc địa “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Với hệ thống hạ tầng giao thông thuỷ, bộ tương đối hoàn chỉnh, rất thuận lợi trong việc kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, cao tốc TP.Hồ Chí Minh- Trung Lương- Mỹ Thuận, kênh Chợ Gạo. Bên cạnh đó, với định hướng hình thành các trục giao thông liên kết vùng trong thời gian tới như: trục động lực TP.Hồ Chí Minh- Long An- Tiền Giang; tuyến đường bộ ven biển; cao tốc An Hữu- Cao Lãnh; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.

Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để tỉnh mở rộng phát triển kinh tế biển ở vùng phía Đông với các dự án khu, cụm công nghiệp, cảng biển, năng lượng sạch; phát huy lợi thế vùng trồng cây ăn trái ở vùng phía Tây mà trọng tâm là thu hút đầu tư các dự án sản xuất, chế biến nông sản, trái cây; cũng như tiếp tục phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tài chính, bất động sản ở vùng Trung tâm.

Chính vì vậy, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt sẽ là căn cứ để triển khai thực hiện các quy hoạch ngành theo quy định pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm và đầu tư công trung hạn; nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Đồng thời, Tiền Giang cụ thể hóa theo hướng nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gia tăng năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện theo lộ trình các đề án tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch của tỉnh.

Việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh lần này theo phương pháp tiếp cận mới, đáp ứng yêu cầu quan trọng về “tích hợp không gian và thị trường” là cơ sở pháp lý quan trọng để kết nối đồng bộ, khắc phục những “điểm nghẽn”.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tiền Giang tạo nền tảng tăng trưởng xanh và một số đột phá trong những lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục thu hút đầu tư chủ yếu ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo nhưng tăng mức độ công nghệ, hiệu quả và tự động hóa. Phát triển kinh tế biển, phát triển nghề cá dựa trên việc mở rộng nuôi trồng thủy sản trên biển và trên đất liền kết hợp với du lịch và ổn định, bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Hoàn thiện các dự án đô thị hướng biển nhằm phục hồi diện tích khi chưa bị sạt lở, xâm thực; chuyển dịch dần từ định hướng tập trung chuyên canh để xuất khẩu sang phát triển nông nghiệp chất lượng cao, đa dạng, kết hợp với công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Tỉnh hướng tới là trung tâm xuất khẩu nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên việc xây dựng cầu nối bền vững và chuyên nghiệp với các thị trường xuất khẩu. Hướng tới tiềm năng phát triển những vùng nông thôn thành các vùng bất động sản du lịch sinh thái và các vùng đô thị sinh thái quan trọng cấp vùng sau này.

Mục tiêu đến năm 2045, Tiền Giang trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, là một trong những tỉnh tốp đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế phát triển bền vững, tập trung phát triển kinh tế xanh gắn với hiệu quả bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tỉnh sẽ phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghiệp sáng tạo; phát triển nông nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2022 tăng trưởng GRDP của Tiền Giang ước đạt 7,0%; trong đó, ước khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,91%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,5%; khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) tăng 7,68%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ và đạt 107,5% kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, ước thực hiện 10.665 tỷ đồng, đạt 120,8% so dự toán, tăng 23,6% so thực hiện năm 2021. Hầu hết chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đầu năm đều đạt, vượt mục tiêu kế hoạch.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang sẵn sàng… “đất sạch”

    Tiền Giang sẵn sàng… “đất sạch”

    20:04, 01/12/2022

  • Bộ chỉ số DDCI Tiền Giang: Đòn bẩy giúp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

    Bộ chỉ số DDCI Tiền Giang: Đòn bẩy giúp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

    14:00, 28/11/2022

  • Tiền Giang mở rộng không gian phát triển kinh tế

    Tiền Giang mở rộng không gian phát triển kinh tế

    20:57, 26/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền Giang giữ vai trò cửa ngõ Đồng bằng Sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO