Tiền Giang hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó thời COVID-19

Lê Trang 16/04/2020 05:00

Trước những khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong mùa dịch bệnh COVID-19, vừa qua lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đình trệ, hàng hóa không thể xuất kho. Đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu bị ảnh hưởng rất lớn do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khó khăn chồng chất

Ngày 14/4, bà Lê Thanh Tiền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang cho biết, vừa qua Liên đoàn Lao động tỉnh nhận được thông báo của Công ty TNHH MTV Cap Vina (khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) về việc công ty này buộc phải tạm ngưng hoạt động từ ngày 11/4 đến ngày 30/9/2020 do gặp khó khăn từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 vì không có nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang xây dựng kịch bản tăng trưởng trong COVID - 19

    Tiền Giang xây dựng kịch bản tăng trưởng trong COVID - 19

    07:00, 14/04/2020

  • Tiền Giang và lời giải cho

    Tiền Giang và lời giải cho "bài toán" chống hạn, mặn

    14:01, 11/04/2020

  • Tiền Giang: Bước chuyển từ “tư duy” quản lý sang phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp

    Tiền Giang: Bước chuyển từ “tư duy” quản lý sang phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp

    10:32, 09/04/2020

Theo đó Công ty TNHH MTV Cap Vina có khoảng 1.000 công nhân, vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất mặt hàng túi xách xuất khẩu. 

Ở một lĩnh vực khác, bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết, sản phẩm của công ty xuất khẩu 100%, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu. Nhiều đơn hàng công ty đã ký từ tháng 12/2019 và tháng 1/2020. Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 2, do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, công ty gặp khó trong việc vận chuyển hàng. Đến tháng 3, nguồn hàng dồi dào và đầy đủ phương tiện vận chuyển nhưng không thể xuất kho do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Nhiều DN kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nhiều vấn đề để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh

Còn theo đại diện Công ty cổ phần Tex Giang (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), năm 2019, ngành may mặc phát triển rất tốt. Song do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc nhập nguyên liệu cũng như xuất hàng gặp nhiều khó khăn. Từ giữa tháng 3/2020, doanh nghiệp đã phải sản xuất cầm chừng, hầu như các khách hàng ở Mỹ, châu Âu, Úc… đều đã hủy và hoãn đơn hàng vô thời hạn. Do đó, kế hoạch sản xuất quý II/2020 của công ty gần như phá sản.

Để duy trì hoạt động sản xuất, công ty đã tìm các đơn hàng sản xuất sản phẩm trong mùa dịch như may khẩu trang để công nhân có thể tiếp tục làm việc. Bởi nếu để người lao động nghỉ việc thì sau khi hết dịch, tình hình sẽ hết sức khó khăn. Trước khó khăn chung của các doanh nghiệp may mặc, công ty cũng đã tạm ngừng hợp đồng lao động ở các bộ phận gián tiếp.

Cũng theo bà Tiền, đã có ít nhất 4 doanh nghiệp ở Tiền Giang triển khai sản xuất thêm khẩu trang, duy trì việc làm cho hàng ngàn lao động. Một số doanh nghiệp khác cũng đang xin mở sản xuất thêm ngành hàng này để nuôi lực lượng lao động trong thời gian dịch bệnh.

Tương tự, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang gặp phải khó khăn, dù Chính phủ đã cho phép xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo trong tháng 4. Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, công ty còn khoảng 5.000 tấn gạo nằm tại cảng TP. Hồ Chí Minh chưa được thông quan. Tại cảng chỉ có vài doanh nghiệp may mắn được đăng ký hải quan. Cụ thể, lúc 1 giờ ngày 12/4, cơ quan Hải quan mở cổng để cho khai báo, nhưng đến khoảng 3 giờ đã đủ số lượng. “Nếu không xuất được lô hàng trong tháng 4 này thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do phát sinh chi phí lưu kho và giảm chất lượng gạo khi để lâu ngày” - ông Đôn cho biết thêm.

Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo đại diện Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường xuất khẩu đã giảm khoảng 60% - 70%. Mặt khác, do ảnh hưởng của hạn, mặn nên dẫn đến chi phí nuôi cá tra tăng, việc cạnh tranh làm giá bán mặt hàng cá tra giảm. Để cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cho giảm tối đa lãi suất ngân hàng, nhưng hạn chế tối đa điều kiện. Bởi nếu giảm lãi suất mà kèm theo khá nhiều điều kiện thì doanh nghiệp cũng khó đạt được những yêu cầu đó.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng cho công ty giãn nợ. Trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước giảm hoặc không tăng tiền thuê đất, đặc biệt là đất trong khu công nghiệp và đất thuê để nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Tấn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Hoan Vinh (xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành) cho biết, gần 2 tháng nay, công ty chỉ nhập được nguồn nguyên liệu lẻ, đặc biệt là không xuất được lô hàng nào. Công ty đang cố gắng tìm việc để cho công nhân làm nhằm duy trì sản xuất và không để nghỉ việc, nhằm chung tay cùng chính quyền phòng, chống dịch bệnh. Công ty mong muốn ngành Ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí là 0% để trả lương cho công nhân và trang trải chi phí hoạt động.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quang Minh Cao Dũng Khanh chia sẻ, dù là HTX nhưng đơn vị hoạt động tương tự như loại hình DN. Hiện HTX chỉ còn duy trì khoảng 5 - 10 lao động để quản lý hàng hóa. Khoảng 100 lao động đã được HTX cho tạm ngừng việc và được hưởng lương 50%. HTX mong muốn Nhà nước hỗ trợ thu nhập cho người lao động trong thời gian tạm ngừng việc. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp ngừng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Thị Đậm, thời gian qua, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Cụ thể là giảm lãi suất điều hành từ 0,5% - 1%. Đây là điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho khách hàng. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay do dịch bệnh COVID-19. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính ổn định sản xuất, kinh doanh.

Các ngân hàng đã triển khai thực hiện Thông tư 01, số khách hàng được tháo gỡ khó khăn là 76 đơn vị với dư nợ là 1.372 tỷ đồng. Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đang triển khai việc xem xét giảm lãi suất cho vay kiểu cũ và triển khai những gói cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5% - 2%. NHNN Chi nhánh tỉnh cam kết khi có hướng dẫn từ Trung ương, đơn vị sẽ khẩn trương triển khai các nội dung của Nghị quyết 42 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay.

Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tiền Giang Cao Văn Tạo, ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 41 về giãn nộp thuế và tiền thuế đất gồm các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiền thuế đất tính từ tháng 3. Thời gian giãn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp trong 5 tháng. Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi của Nghị định 41, để góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến gặp gỡ các doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng ghi nhận và biểu dương tinh thần quyết tâm vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Các doanh nghiệp đã rất trách nhiệm đối với đất nước và người lao động. Đồng thời, ghi nhận tất cả các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch Lê Văn Hưởng đề nghị các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh cần có sự đồng lòng với UBND tỉnh để kiến nghị với Trung ương về những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành có liên quan nhanh chóng tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp trình Thường trực UBND tỉnh bàn bạc để kiến nghị với Chính phủ. Cuối tháng 4/2020, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kết hợp với đối thoại doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền Giang hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó thời COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO