Đầu tư hoàn thiện, kết nối hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ là một trong những khâu đột phá và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang.
Theo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phương thức vận tải: đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và đường sắt.
Kết nối đa phương thức
Về quy hoạch đường bộ, Tiền Giang có 03 tuyến cao tốc với tổng chiều dài qua địa bàn khoảng 95,236 km (tăng 32,73km); bao gồm 02 tuyến cao tốc xây dựng mới (TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng quy mô 4 làn xe và tuyến Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh ưu tiên xây dựng đoạn tuyến cao tốc An Hữu (Tiền Giang) – Cao Lãnh (Đồng Tháp) quy mô 4 làn xe trước năm 2030). Nâng cấp đoạn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận đạt quy mô 6 – 8 làn xe. Bên cạnh đó, có 08 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài qua địa bàn tỉnh khoảng 231,741 km (tăng 82,661 km) và 48 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài khoảng dài 883,776 km (tăng 365,76 km)…
Về quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ qua địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường kết nối Tiền Giang với TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang với Cần Thơ và các tỉnh có tuyến đường sắt đi qua. Khi tuyến đường sắt được hoàn thành, Tiền Giang có thêm phương thức vận tải mới với ưu điểm vận chuyển hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, an toàn. Đây là tuyến tạo đột phá cho kết nối Tiền Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Riêng về đường thủy nội địa, tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) tiếp tục duy trì, nâng cấp 05 tuyến ĐTNĐ quốc gia qua địa bàn tỉnh và 107 tuyến địa phương. Mở rộng, nạo vét, cải tạo, chỉnh trị luồng, nâng cấp các tuyến có lưu lượng phương tiện lớn như kênh 28, kênh Tháp Mười số 2, kênh Xáng Long Định.
Để khai thác tối ta tiềm năng vận tải biển, tỉnh sẽ bảo trì, nạo vét 02 luồng hàng hải Soài Rạp và cửa Tiểu với tổng chiều dài khoảng 86,25km đảm bảo phương tiện hoạt động lưu thông, an toàn trên tuyến. Đồng thời, cảng biển Tiền Giang quy hoạch là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5 gồm 02 khu bến cảng trên sông Soài Rạp và sông Tiền.
Tiền Giang cũng sẽ nghiên cứu phát triển sân bay chuyên dùng tại vị trí phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội kết hợp quốc phòng, an ninh, phục vụ cứu hộ, cứu nạn, nhu cầu bay cá nhân, du lịch.
Đầu tư trọng điểm
Hiện tại, tỉnh Tiền Giang đang tập trung khai thác hiệu quả đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2.
Đáng chú ý, cầu Rạch Miễu 2 - cây cầu thứ 2 có quy mô lớn bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 96%, tiến độ thi công đạt hơn 41%, cơ bản đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch. Các cơ quan liên quan phấn đấu đến hết năm 2024 đạt tiến độ thi công 70% toàn dự án và hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang đang lập quy hoạch trục giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang. Trục động lực này được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với các địa phương triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển phía Nam qua địa phận tỉnh Tiền Giang kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre, giai đoạn 1 dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 5.591 tỷ đồng.
Đối với các tuyến đường giao thông quan trọng, trọng điểm của tỉnh, Tiền Giang ưu tiên đầu tư các trục giao thông chính theo phương ngang và phương dọc (các Đường tỉnh 872, 877C, 878, 871B...) với quy mô theo quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một trong những công trình giao thông trọng điểm mà tỉnh đang triển khai là dự án Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền từ Cái Bè đến Gò Công Đông). Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược, kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh, tạo nên sự thông suốt, đồng bộ và phát huy hơn nữa mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển liên kết vùng. Tuyến đường được đầu tư sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, du lịch, nuôi trồng thủy sản… Tổng mức đầu tư của dự án là 3.263 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai giai đoạn 1 của dự án.
Với vị trí thuận lợi, có với 32km bờ biển và nằm trải dài trên dòng sông Tiền, Tiền Giang đã và đang tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đường thuỷ như kênh Chợ Gạo, kênh Tháp 10 số 2. Đặc biệt, với việc Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã khắc phục triệt để vấn đề quá tải và ùn tắc tàu thuyền, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến giao thông thủy huyết mạch của vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là bảo đảm an toàn đời sống dân sinh.
Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ xây dựng cụm cảng (từ loại I-III) trên sông Tiền, sông Soài Rạp, Vàm Cỏ và Rạch Lá. Trong đó, khu bến cảng Gò Công trên sông Soài Rạp và sông Vàm Cỏ cho tàu có tải trọng 70.000 tấn; khu bến tại TP Mỹ Tho trên sông Tiền cho tàu có tải trọng 5.000 tấn và phương tiện chở khách đến 300 người.
Để làm được điều đó, Tiền Giang sẽ phải phát huy tối đa nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế, từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển giao thông vận tải gắn kết với củng cố quốc phòng, an ninh, thích ứng với nước biển dâng, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị bền vững.
Có thể bạn quan tâm