Tiền Giang tập trung ba khâu đột phá

NAM TRANG 07/10/2020 15:21

Để tự cân đối ngân sách năm 2025, Tiền Giang sẽ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm...

  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác thị sát, kiểm tra Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác thị sát, kiểm tra Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận

Theo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án Tái cấu trúc ngành công nghiệp tỉnh cùng với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư nên giá trị tăng thêm ngành công nghiệp luôn ở mức khá cao, bình quân 13,1%/năm.

Điểm sáng thu hút đầu tư

Đến nay, tỉnh có 4 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 3 khu công nghiệp đã lấp đầy trên 71% và Khu Công nghiệp Gò Công (Soài Rạp) có diện tích 285 ha, tỷ lệ lấp đầy chiếm 13% (do dự án chuyển giao về tỉnh chậm); có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 4 cụm công nghiệp đã lấp đầy 96,9% và Cụm Công nghiệp Gia Thuận 1 đã hoàn thiện hạ tầng, đang mời gọi đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh.

Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp ngày càng nhiều, đa dạng hóa các mặt hàng và tăng dần quy mô, thị trường xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu, phụ liệu cho sản xuất như đồng, vải, nhựa, máy móc thiết bị, thuốc bảo vệ thực vật... Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 3 tỷ USD, tăng bình quân 11,3%/năm.
Công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư của Tiền Giang đã được cải thiện về nội dung và cách thức nên đã thu hút 39 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 46 dự án đăng ký tăng vốn, với vốn đăng ký và tăng thêm trên 1,14 tỷ USD. Hiện toàn tỉnh có 129 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 2,73 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, đạt 169,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,2% so với tổng GRDP của tỉnh. Đáng chú ý, năm 2019-2020, Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư thông tuyến và hoàn thành vào năm 2021.

Những mục tiêu sẽ hướng tới

Với nền tảng đã có, Tiền Giang đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tăng trưởng kinh tế (GRDP giá so sánh năm 2010) bình quân 7,0 - 7,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 91,5 - 93,5 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 29,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,6%; khu vực dịch vụ chiếm 34,7%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang tự cân đối ngân sách.

Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết Tiền Giang sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá: Thứ nhất, tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; Nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ trái cây; Khai thác, phát triển có hiệu quả vùng động lực khu vực Gò Công và Đông Nam Tân Phước về công nghiệp; đồng thời tập trung phát triển đô thị gắn với phát triển thị trường bất động sản vùng Trung tâm.

Thứ hai, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long,... trong đó, ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam, Đông- Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường; Tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công,... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Để phát huy nguồn lực và đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết số 06-NQ/TU về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tích cực của khu vực kinh tế tư nhân. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 3.250 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp hoạt động là 6.210 doanh nghiệp (vượt Nghị quyết đề ra đến năm 2020 có 5.000 doanh nghiệp). Đến nay, các xã, phường, thị trấn đều có doanh nghiệp hoạt động, đây là thành phần kinh tế có tốc độ tăng giá trị gia tăng cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của tỉnh, đạt 8,8%/năm; chiếm tỷ trọng 17,2% so tổng GRDP của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang: Tăng trưởng kinh tế ấn tượng!

    Tiền Giang: Tăng trưởng kinh tế ấn tượng!

    20:53, 01/10/2020

  • Tiền Giang “nối những bờ vui”

    Tiền Giang “nối những bờ vui”

    08:54, 01/10/2020

  • Tiền Giang: Cải cách hành chính góp phần xây dựng Chính quyền điện tử

    Tiền Giang: Cải cách hành chính góp phần xây dựng Chính quyền điện tử

    05:45, 28/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền Giang tập trung ba khâu đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO