Tiền Giang thực hiện 3 đột phá chiến lược

PHAN NAM- LÊ TRANG 13/10/2020 08:56

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang xác định mục tiêu, đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 13/10/2020, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang đã diễn ra phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang phát biểu khai mạc Đại hội

Ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang phát biểu khai mạc Đại hội

Chủ đề của Đại hội là: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao niềm tin trong nhân dân; đổi mới, sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Phát triển nhanh số lượng doanh nghiệp

Ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Theo Báo cáo, với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, tập trung, quyết tâm tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân cùng sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cho đến nay hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, vươn lên nhóm đầu các tỉnh, TP vùng Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL).

Ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,3%/năm, quy mô kinh tế của tỉnh, GRDP năm 2020 đạt khoảng 104 ngàn tỷ đồng, tương đương 4,45 tỷ USD, chiếm 10,5% vùng ĐBSCL, vươn lên đứng thứ 2/13 các tỉnh, TP vùng ĐBSCL; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm dần khu vực nông ngư nghiệp, đến năm 2020 tỷ trọng khu vực nông ngư nghiệp còn 37,1%.

Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng/người, xếp thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn 1,99%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra là < 3%.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh có nhiều chuyển biến. Tiền Giang đã triển khai thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông”. Tăng cường đầu tư hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững và nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đồng thời phát huy tốt hiệu quả trong ứng phó, giảm thiểu tác hại của hạn, xâm nhập mặn xảy ra liên tục trong những năm gần đây.

Các đại biểu tham dự Đại hội

Các đại biểu tham dự Đại hội

Các chủ trương, chính sách, nguồn lực, giải pháp xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai đồng bộ, cùng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của người dân nên công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã trở thành phong trào thiết thực, phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Mục tiêu Nghị quyết đề ra chỉ là đạt 72 xã, tương đương 50%, nhưng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 119/142 xã nông thôn mới, chiếm gần 84% số xã trên toàn tỉnh; bên cạnh đó, ngoài chỉ tiêu nghị quyết đã có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Gò Công Đông và Chợ Gạo, cùng với 3/3 đô thị của tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Thành phố Mỹ Tho, Thị xã Gò Công và Thị xã Cai Lậy, cho đến nay đã trở thành tỉnh có số xã đạt chuẩn, số đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cao nhất trong vùng ĐBSCL.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là ngành tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế, tăng bình quân tăng 13,1%/năm. Đến nay, tỉnh có 4 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt khá cao.

Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đạt 3 tỷ USD, cao thứ 2/13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL, số doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp ngày càng nhiều, đa dạng hóa các mặt hàng và tăng dần quy mô, thị trường xuất khẩu...

Đặc biệt, Tiền Giang đã thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư được cải thiện; đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018, qua đó thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 169,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,2% so với GRDP của tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh thu hút được 122 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 34.918 tỷ đồng, tăng 23 dự án, vốn đầu tư tăng 70% so với giai đoạn 5 năm trước; riêng thu hút đầu tư nước ngoài tăng 2,5 lần, đến nay toàn tỉnh có 131 dự án FDI, đứng thứ 2 về số dự án và đứng thứ 5 về tổng vốn đầu tư trong vùng ĐBSCL. Công tác huy động, triển khai thực hiện vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020 đã huy động và đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công đạt 19.448 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới của Tiền Giang tăng nhanh qua các năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2016-2020 là 3.330 doanh nghiệp, giai đoạn 2011-2015 chỉ có 2.126 doanh nghiệp, tốc độ tăng bình quân 26%/năm, đến cuối năm 2020 có 6.230 doanh nghiệp đang hoạt động, vượt xa mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển doanh nghiệp đã đề ra. Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh đã tăng số lượng hội viên từ 194 lên 742, tăng hơn 3,8 lần, với nhiều hoạt hỗ trợ ngày càng thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhanh.

Sau thời gian chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã, số lượng hợp tác xã tăng gấp đôi so với năm 2015, toàn tỉnh hiện có 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 212 HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân hoạt động; 125 xã/143 xã có hợp tác xã, đặc biệt là có 02 hợp tác xã về vận tải và thương mại được xếp vào loại tiêu biểu của cả nước.

Với các kết quả trong phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư, phát triển du lịch…đã góp phần tạo nên nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 45.800 tỷ đồng, cao hơn mục tiêu Nghị quyết là 8.924 tỷ đồng, vượt hơn 24%, tăng bình quân gần 16%/năm. Trong đó, thu nội địa năm năm 2015 đạt 4999 tỉ đồng, đến năm 2019 đạt 10.970 và năm 2020 do dịch bệnh nên pjhấn đấu chỉ ước đạt dự toán ngân sách trung ương giao là 10.810 tỷ đồng, tăng hơn 2,1 lần so với 2015, nhờ đó đã tạo nên nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội và đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng giao thông được ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư, bên cạnh việc quyết tâm cao để thực hiện chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đường cao tốc Trung lương, Mỹ Thuận đến nay đạt tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Thủ tương Chính phủ còn tập trung đầu tư các tuyến đường tỉnh, đường huyện, giao thông nông thôn và đặc biệt đầu tư mới các cầu thay phà, đò trên các tuyến đường quan trọng của tỉnh như: cầu Ngũ Hiệp, cầu Bình Xuân, cầu Long Hưng, cầu Vàm Trà Lọt, cầu Nguyễn Văn Tiếp với tổng mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng tập trung chủ yếu trong năm 2020 đã góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông thông suốt giữa các địa phương trong vùng và các vùng trong tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa và đi lại của người dân, doanh nghiệp.

3 đột phá chiến lược

Trên cơ sở nhận định, đánh giá toàn diện những thuận lợi, khó khăn và thế mạnh của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang xác định mục tiêu, đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tiền Giang sẽ thực hiện 3 khâu đột phá: Thứ nhất, đầu tư kết nối nâng cấp các tuyến đường giao thông đủ tải trọng và duy tu, bão dưỡng, nâng cấp các tuyến đường đã có đảm bảo phục vụ yêu cầu sản xuất và dân sinh, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa nông nghiệp góp phần giảm giá thành và nâng cao chất lượng trái cây cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Thứ hai, tập trung kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến những loại trái cây mà tỉnh có sản lượng lớn cùng với đề xuất Trung ương cho cơ chế kêu gọi hoặc đầu tư các kho dự trữ trái cây nhằm giải quyết tình trạng tiêu thụ trái cây hiện nay để từ đó giúp người trồng cây ăn trái ổn định tiến tới đời sống khá giả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng để phấn đấu đưa tỉnh nhà luôn là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái và sản lượng trái cây lớn của quốc gia với chất lượng ngày càng cao, thị trường ngày càng ổn định, đưa nông nghiệp, nông dân và nông thôn Tiền giang lên bước phát triển mới.

Các đại biểu đặt niềm tin vào Đại hội với sự đổi mới, sáng tạo

Các đại biểu đặt niềm tin vào Đại hội với sự đổi mới, sáng tạo

Thứ ba, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, ngành nghề cho bộ máy quản lý, doanh nghiệp và khu vực sản xuất nông nghiệp cần để góp phần cho công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào nâng cao năng lực, trách nhiệm của bộ máy hành chính, công chúc, viên chức; hoạt động của doanh nghiệp, người sản xuất ngày càng có hiệu quả, đóng góp ngày càng nhiều hơn và bền vững cho ngân sách.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, Tiền Giang sẽ tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch; thuê tư vấn nước ngoài, có uy tín, năng lực lập Quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời cụ thể hóa theo hướng nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gia tăng năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Tiền Giang tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế; bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với điều kiện hội nhập sâu rộng; phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, chế biến nông sản, nhất là trái cây. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn đồng bộ, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh. Hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc; cấp điện, cấp nước để nâng cao mức sống của nhân dân.

Tiền Giang sẽ thực hiện có hiệu quả liên kết tiểu vùng, phát triển nội vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh. Tập trung đầu tư các công trình liên kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL, tiểu vùng Đồng Tháp Mười và tiểu vùng duyên hải phía Đông. Đầu tư các công trình liên kết với các vùng của tỉnh và các tỉnh lân cận với quy mô theo quy hoạch. Phát triển hệ thống cảng chuyên dùng, cảng biển tổng hợp và hệ thống bến thủy nội địa phục vụ phát triển vùng công nghiệp phía Đông của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; huy động các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung khai thác hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; tăng cường xúc tiến đầu tư, thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động xúc tiến đầu tư; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện các dự án; tập trung công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai xây dựng dự án,... Tập trung tạo nguồn thu cho thu ngân sách một cách ổn định, tiến tới tự cân đối ngân sách. Gia tăng nguồn thu ngân sách theo hướng bền vững để bổ sung đầu tư phát triển, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, lĩnh vực văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính, gắn kết việc phân bổ ngân sách Nhà nước với huy động các nguồn lực xã hội, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh,...

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang: Tăng trưởng kinh tế ấn tượng!

    Tiền Giang: Tăng trưởng kinh tế ấn tượng!

    20:53, 01/10/2020

  • Tiền Giang “nối những bờ vui”

    Tiền Giang “nối những bờ vui”

    08:54, 01/10/2020

  • Tiền Giang: Cải cách hành chính góp phần xây dựng Chính quyền điện tử

    Tiền Giang: Cải cách hành chính góp phần xây dựng Chính quyền điện tử

    05:45, 28/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền Giang thực hiện 3 đột phá chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO