“Tiền nhiều để làm gì?”, VPBank sắm ngay công ty chứng khoán cho chiến lược 5 năm

LÊ MỸ 15/02/2022 09:00

Nhận hơn 20.000 tỷ đồng “tiền tươi” thu nhập từ bán vốn cổ phần FE Credit cho SMBC, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã mua lại CTCP Chứng khoán ASC.

>>>SSI vay "khủng" hơn 10.000 tỷ đồng từ VietinBank

Một quyết định mua sắm được công bố đầu năm

CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh trao đổi với các nhà đầu tư, đây là 1 trong chiến lược quan trọng trong 5 năm tới của VPBank, quyết định quay lại mảng ngân hàng đầu tư. Việc hoàn tất năm 97% cổ phần Chứng khoán ASC là bước đi thực hiện chiến lược này.

Chứng khoán ASC đã

Chứng khoán ASC thông báo ngừng giao dịch từ 2016 và toàn bộ tài khoản nhà đầu tư được chuyển về Chứng khoán Phương Đông (ảnh tư liệu)

Trước khi về tay VPBank, Chứng khoán ASC (ASCS) được cấp phép hoạt động từ 2009, vốn điều lệ 56 tỷ đồng, đã chấm dứt tự nguyện thành viên lưu ký với VSD vào 2016. Kể từ đó đến tháng 8/2021, công ty gần như không có hoạt động kinh doanh gì đáng kể trên thị trường.

Tháng 9/2021, ASCS tăng vốn điều lệ lên 5 lần sau đợt phát hành chào bán 21,28 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán 11.000 đồng/cp, thu về 234,8 tỷ đồng, chính thức nâng vốn lên lên 268,8 tỷ đồng. Đồng thời trong tháng 10,  công ty chứng khoán này cũng hoàn tất đăng ký bổ sung các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và lưu ký chứng khoán, bên cạnh 2 hoạt động trước đó là tư vấn đầu tư chứng khoán và tư vấn tài chính doanh nghiệp. Theo đó, đây có thể là cột mốc ASCS đã được về tay chủ sở hữu mới VPBank.

Cũng theo đó, cái giá để sở hữu 97% cổ phần của VPBank tại ASCS không được tiết lộ cụ thể, nhưng giới đầu tư đồn đoán là không thấp. Trên thị trường hiện tại, theo một chuyên gia cho biết, việc “mua sắm” một CTCK không phải quá mức khó khăn, vấn đề khó nhất vẫn là khâu “gặp nhau” về giá, bởi thị trường có không ít CTCK gần như chỉ hoạt động cầm chừng, “giữ giấy phép” để chờ định giá bán đi. Bỏ một khoản tiền to và bơm vốn để có một CTCK với VPBank ở 2021, mặt khác không phải là vấn đề gì quá lớn. Bởi mặc dù đến cuối 2021, tại quý IV, VPBank mới hạch toán thu nhập bán vốn cổ phần vào báo cáo tài chính riêng trị giá hơn 20.000 tỷ đồng, song thương vụ bán 49% cổ phần FE Credit cho nhà đầu tư Nhật theo định giá khủng trước đó, đã “đóng đinh” vị trí số 1 về lợi nhuận đột biến của VPBank trong năm.

 Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đã lên kế hoạch để đón vốn từ cổ đông chiến lược ngân hàng mẹ, mà một trong những mối quan tâm đã được xác nhận chính là SMBC. Thương vụ SMBC thoái vốn sau hơn 13 năm gắn bó cùng Eximbank gần đây cũng được cho là cú chia tay lịch sử để dọn đường đến với VPBank.

Đầu tư mảng ngân hàng đầu tư: Lợi lộc hay thách thức?

Với thu nhập bán vốn khủng cộng với dự kiến dòng vốn cổ phần mới, VPBank tiền nhiều sẽ chi tiêu gì, nay đã có một phần câu trả lời.

Tòa tháp VPBank, nơi sẽ

Tòa tháp VPBank, nơi sẽ "điền" địa chỉ trụ sở mới của một CTCK sắp sửa được công bố thương hiệu mới

Việc đầu tư CTCK của VPBank lúc này, cũng theo đánh giá của giới đầu tư, là một bước đi khôn ngoan và có thể mở màn cho sự tái diễn làn sóng đầu tư CTCK, từ các đại gia bất động sản và ngân hàng, vốn đã có một giai đoạn rất thịnh hành. VPBank trước đó, như được biết đã sở hữu một CTCK với tên gọi VPBS, nhưng công ty này hoạt động không có nhiều dấu ấn trên thị trường và VPBank đã bán đi. Trở lại vai trò tham gia nhà tạo lập qua thương vụ mua lại CTCK, hướng đến mảng ngân hàng đầu tư, VPBank đã "vào" đúng thời điểm mà thị trường chứng khoán đã bước qua giai đoạn mới, trưởng thành hơn cùng với số lượng nhà đầu tư trong nước rần rần mở mới tài khoản cá nhân kỷ lục, hứa hẹn những nghiệp vụ chính môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và lưu ký chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán... ngày càng nhộn nhịp, đang và sẽ mang đến lợi nhuận cao cho các CTCK trong ngắn lẫn dài hạn.

>>>Doanh nghiệp chứng khoán sẽ đạt mức tăng trưởng 26% năm Nhâm Dần

VPBank cũng không giấu tham vọng cao và một chiến lược rộng mở hơn, khi ông Nguyễn Đức Vinh cho biết sẽ bơm vốn để CTCK sau đổi tên sẽ nằm trong top vốn cao nhất thị trường. Từ đó, VPBank sẽ tập trung mở rộng hệ sinh thái ngân hàng đầu tư, phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng cao cấp, có nhu cầu đầu tư bên cạnh gửi tiết kiệm, vay vốn,… như đầu tư trái phiếu, tư vấn phát hành trái phiếu, chứng chỉ quỹ, môi giới chứng khoán, cho vay margin,… Công ty chứng khoán sẽ phối hợp với ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn và đây cũng được xem là động lực tăng trưởng mới cho VPBank những năm tới. 

Nếu nhìn vào các nghiệp vụ mà CEO VPBank đặt ra trong kỳ vọng tạo hệ sinh thái chứng khoán – ngân hàng, cũng như các nghiệp vụ mà ASCS mới đăng ký hoạt động, có thể thấy thực ra CTCK mới của VPBank sẽ không chỉ làm nghiệp vụ ngân hàng đầu tư mà còn hướng đến phục vụ đầu tư (sales & tradings) – theo mô hình và xu thế của các CTCK top lớn trên thị trường. 

Tuy nhiên, mọi sự có thuận lợi như VPBank đặt kế hoạch? Dù câu trả lời vẫn chờ các động thái của ngân hàng này ở phía trước; cũng như, sự mờ nhạt của VPBank đối với mảng kinh doanh chứng khoán trong quá khứ không thể tương đồng với một VPBank đang dồi dào tiền tươi như hiện nay; nhưng cũng do bức tranh thị trường chứng khoán nay đã khác; có thể thấy một số điểm khác như:

Thứ nhất, ở phía hệ sinh thái chứng khoán - ngân hàng, đây vẫn đã và đang là "cặp bài trùng" hỗ trợ cho khách hàng hoặc chính các nhà kinh doanh, cổ đông, chủ sở hữu, kết quả kinh doanh của tổ chức tùy tỷ lệ, mức độ chi phối và đại diện góp vốn sở hữu là cá  nhân cổ đông hay tổ chức mà hợp nhất hoặc không. Có thể điểm danh hàng loạt các tổ chức ngân hàng có CTCK như ACB-ACBS, TCB-TCBS, VCB-VCBS, BIDV-BSC, CTG-CTS, HDB-HDBS, TPB-TPS, OCB-ViSE, BVH-BVSC... Điều đó có nghĩa khiến đây không phải là mô hình, chiến lược đột phá mới, trừ khi VPBank có sự khác biệt và sức hút riêng trong thực thi để cạnh tranh.

Thứ hai, nhiều CTCK đã vươn lên và ngày càng phình lớn quy mô vốn cũng như “chắc chân” đối với các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư truyền thống. Chẳng hạn như mặc dù VPS vươn lên giữ ngôi đầu thị phần về môi chứng khoán tại HOSE trong cả năm 2021, ít công ty dám dám khẳng định “vượt” VCSC ở mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp; hay “qua mặt” thu nhập tự doanh của SSI lẫn nghiệp vụ đầu tư; hoặc cho dù TCBS sút giảm thị phần môi giới trái phiếu, thì việc để rượt đuổi CTCK này ở lĩnh vực trái phiếu cũng đầy thách thức...

Bên cạnh đó, TTCK hôm nay cũng đã có rất nhiều CTCK 100% hoặc gần 100% vốn ngoại. Các công ty này (như KIS VN, Yuanta VN, Mirae Asset VN, MBKE, CK Shinhan VN, KBSV...) tuy không bứt phá hay cạnh tranh lên top 3 nhưng luôn nỗ lực để chia sẻ thị phần thị trường, đặc biệt phát huy lợi thế từ nguồn vốn chủ sở hữu ngoại luôn dồi dào mà khai thác tối đa các nghiệp vụ như hoạt động môi giới hay cho vay margin..., là những mảng miếng mà bên cạnh việc “không có gì ngoài tiền”, các nhà vận hành còn phải xây dựng được một hệ thống khách hàng trong, ngoài, lẫn có cả sự kiên nhẫn.

VPBank từ 2014, trong bối cảnh đi sau đã về trước những công ty tài chính có gốc ngoại như Home Credit hay Prudential (nay là Shinhan Finance) khi mua lại Công ty Tài chính Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam – một công ty tài chính truyền thống, và chuyển đổi thành công ty tài chính tiêu dùng với thương hiệu FE Credit và sau đó dẫn đầu thị phần, trở thành "gà đẻ trứng vàng" 2,8 tỷ đô; thì nay, với quyết định mua ASCS cho chiến lược 5 năm, liệu có lặp lại kỳ tích?

Có thể bạn quan tâm

  • Ông Phùng Duy Khương - P.TGD VPBank: Các ngân hàng phải thích ứng trong tình hình mới

    Ông Phùng Duy Khương - P.TGD VPBank: Các ngân hàng phải thích ứng trong tình hình mới

    10:53, 19/11/2021

  • Chỉ số phát triển bền vững của VPBank tăng cao trong năm 2021

    Chỉ số phát triển bền vững của VPBank tăng cao trong năm 2021

    16:23, 04/01/2022

  • VPBank: Ngân hàng duy nhất của Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế “Best IR 2021”

    VPBank: Ngân hàng duy nhất của Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế “Best IR 2021”

    04:45, 11/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Tiền nhiều để làm gì?”, VPBank sắm ngay công ty chứng khoán cho chiến lược 5 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO