Cứ 7 người thì có 1 người nói tiếng Anh, 1/2 số sách trên thế giới được viết bằng tiếng Anh, 80% tài liệu văn bản được lưu trữ bằng tiếng Anh...
Tôi quen ông Huân trong một lần tìm thuê nhà trọ thời sinh viên, ông đạp xích lô, tôi đi học nhưng cả hai trở thành tri kỷ. Tối nào cũng vậy, tôi và ông lại về bên khoảng sân nhỏ, pha ấm trà đặc quánh và tán đủ chuyện trên trời dưới đất cho đến khuya ông đi ngủ, tôi vào học bài.
Một lần tình cờ nghe thấy thứ tiếng xì xào rất lạ phát ra từ căn phòng của ông, tôi nghe không nhầm đó là…tiếng Anh. Tôi bắt đầu tò mò, đạp xích lô luyện tiếng Anh làm gì nhỉ? Hay là lâu nay mình sống cạnh một “cao nhân” đắc đạo?
Hôm sau, tôi lấy cớ chuẩn bị thi kết thúc học phần tiếng Anh ra than thở với ông, rằng tôi lo lắng sợ bị trượt, ông hỏi: “Mày học chương trình gì?” Tôi trả lời: “Basic 4”, ông hất cằm bảo tôi vào lấy cuốn giáo trình ra đây ông xem…
Thật bất ngờ, ông đọc một trang trong đó, phát âm rất oai, lúc đó ông Huân trở nên…rất sang trọng trong mắt tôi, ông chỉ tôi đủ thứ mưu mẹo học từ vựng sao cho nhanh nhớ, xâu chuỗi các loại từ thành một khối… Đêm hôm đó, cuộc trà dài hơn thường lệ.
Ông Huân hành nghề đạp xích lô ở con phố Tây rộn ràng nhất thành phố Huế, ngày trước chả cần gì tiếng Anh, nhưng độ mười năm nay khách Tây đến du lịch ngày một nhiều, ông và những đồng nghiệp bắt đầu nhận ra nguồn khách hàng rất tiềm năng.
Nhưng rào cản ngôn ngữ là thứ duy nhất và hóc búa nhất gây cản trở, ông Huân kể có những lần khách Tây hỏi đường đến những điểm du lịch nổi tiếng - ông vốn thuộc như trong lòng bàn tay nhưng không hiểu tiếng nên thành ra như người đến từ mặt trăng.
Ông Huân mày mò tự học, ban đầu chỉ giao tiếp giản đơn, biết chỉ đường, biết tên danh lam thắng cảnh, dần tiến lên hỏi thăm sức khỏe, tên họ, quốc tịch, sở thích và kiêm luôn “quảng bá du lịch” cố đô cho khách nước ngoài.
Từ ngày biết tiếng Anh, thu nhập của ông cao hơn hẳn, ông có tiền mua xe mới, gửi về quê cho vợ con, nhiều khách Tây nghe ông nói chuyện dễ thương cũng cho thêm tiền sau mỗi chuyến du ngoạn trên phố.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 23/12/2018
09:31, 05/04/2019
Có một điều, hội xích lô của ông Huân cũng có những người không thể học tiếng Anh nên chuyển nghề vì khó cạnh tranh với đồng nghiệp, khách Tây bây giờ không chỉ thuê người chở mình đi chơi mà còn muốn giao tiếp để hiểu về văn hóa bản địa.
Bao nhiêu năm nay, nhờ vốn “tiếng Anh xích lô”, ông Huân bỗng nhiên trở thành cầu nối thầm lặng nhưng rất hiệu quả trong việc quảng bá văn hóa Huế đến với bạn bè quốc tế, nhưng quan trọng hơn - ở tuổi gần sáu chục ông Huân đã “hội nhập quốc tế” tốt hơn so với nhiều người trẻ hiện nay.
Hiệu quả của sự hội nhập nhờ tiếng Anh là thu nhập tăng lên, đời sống đảm bảo, ông tự mình mở mang hiểu biết, đồng thời trở thành người quảng bá cho văn hóa, du lịch nước nhà.
Tôi muốn nói đến tầm quan trọng của tiếng Anh - không phải đến bây giờ mà từ khi bắt đầu mở cửa bang giao với thế giới, từ một ngành nghề bình dị nhất đã rất cần tiếng Anh, còn vô số thứ lớn lao khác - hẳn nhiên - không có tiếng Anh tức là tự khước từ sân chơi lớn.
Tiếng Anh là ngôn ngữ được hơn 60% các chương trình radio sử dụng. Hơn 70% thư tín quốc tế được viết bằng tiếng Anh và hơn 80% các tài liệu văn bản vi tính được lưu trữ bằng tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ có nhiều từ vựng nhất trên thế giới và là một trong những nền văn học to lớn nhất trong niên sử của loài người...
Từ bối cảnh lịch sử, hai thứ ngoại ngữ mà người Việt có thâm niên sử dụng là tiếng Pháp và tiếng Trung, nhưng tiếng Anh mới là ngôn ngữ toàn cầu, nó phổ biến hơn bất cứ loại ngôn ngữ nào nếu xét về mặt không gian địa lý, mức độ ảnh hưởng, tầm quan trọng.
Ví dụ, trong nghiên cứu khoa học chuyên sâu nếu không có vốn tiếng Anh tức là đã bị hạn chế về khả năng tiếp cận các tài liệu gốc. Bởi vì, phương Tây nói chung và cộng đồng nói tiếng Anh nói riêng là nơi chiếm đa số thành tựu phát minh của loài người.
Nói cách khác, đa số các tài liệu, biên khảo, sách báo có giá trị tri thức quan trọng đều được viết bằng tiếng Anh, nếu người nghiên cứu tiếp cận khái niệm được diễn giải bằng tiếng Việt hoặc tiếng Trung thì nghĩa không còn sát, đôi khi còn gây hiểu nhầm vì “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.
Một quốc gia nào đó thoạt đầu lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ thông là đã có mầm mống tiến bộ văn minh, nếu không thể - họ buộc phải lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai để tiện lợi cho quá trình toàn cầu hóa.
Ngày 14/6 khi biểu quyết thông qua Luật giáo dục sửa đổi, Quốc hội không đồng ý lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai.
Giữ gìn tiếng mẹ đẻ là tối quan trọng, để không mất gốc, đó là cái lý rất thuyết phục. Nhưng chưa có cái nhìn tích cực với tiếng Anh cũng là vấn đề đại sự đối với một đất nước đang phát triển, đang đẩy mạnh hội nhập như Việt Nam.
Hẳn nhiên, dù có công nhận hay không thì dân ta - từ học sinh tiểu học cho đến người thành đạt lớn tuổi vẫn nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh, vẫn miệt mài học tiếng Anh như một công cụ để nắm bắt cơ hội phát triển trong thời đại này.
Nhưng, khi các nhà lập pháp còn e ngại với tiếng Anh thì có nghĩa rất khó để có một chiến lược quốc gia học tiếng Anh bài bản mang tính phổ quát.
Để một người làm khoa học, hoặc kinh doanh vươn xa trong sự nghiệp - tiếng Anh là thứ họ phải đối đầu. Với một quốc gia - để hùng cường, không những phải học kinh nghiệm, kiến thức của cha ông để lại mà còn phải tham khảo tinh hoa tri thức nhân loại.
Thực tiễn đã chứng minh người Việt hiện nay rất cần tiếng Anh, thậm chí sử dụng được tiếng Anh là lợi thế lớn khi khởi nghiệp. Vậy, khi nào lý thuyết mới bắt kịp?