Để trở thành người nói tiếng Việt giỏi thì mỗi người nước ngoài cần có tâm hồn Việt Nam, có tư duy một phần giống với người Việt Nam.
>>Ngày 20/11 nói về chuyện “thật” của ngành giáo dục
Vừa qua, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ngồi “ghế nóng” chất vấn tại Quốc hội.
Nhóm nội dung chất vấn xoay quanh việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo trong điều kiện COVID-19; công tác dạy học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; việc giảm tải chương trình học cho học sinh.
Đáng chú ý, khi trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) hỏi vấn đề xoay quanh đến việc nâng cao chất lượng dạy và học sẽ được thực hiện ra sao? Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tăng cường ngoại ngữ cũng vô cùng quan trọng, nhưng trước hết, thế hệ học sinh của chúng ta phải giỏi tiếng Việt trước đã”.
Câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh sự giao thoa giữa các nền văn hóa càng sâu rộng và phổ biến. Qua đó, vấn đề về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng là một bài toán nan giải cho các nhà quản lý hiện nay.
Như đã nói ở trên, quá trình toàn cầu hóa, giao thoa văn hóa là một thực tế không thể tránh khỏi. Quá trình giao thoa về ngôn ngữ diễn ra mạnh mẽ khiến tiếng Việt cùng lúc phải “cạnh tranh” với nhiều ngoại ngữ khác.
Không thể phủ nhận, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa khiến tiếng Việt có nhiều cơ hội tiếp thu được nhiều yếu tố mới và tiến bộ làm cho tiếng Việt trở nên giàu có. Nhưng mặt khác tiếng Việt cũng phải đối đầu trước nguy cơ hòa tan theo xu hướng áp đảo của chính sách “thế giới phẳng” về ngôn ngữ và văn hóa do một số nước lớn chủ xướng.
>>Đại dịch và công việc của Nhà giáo
Đáng buồn hơn khi vốn từ tiếng Việt của một bộ phận người dân ngày một nghèo, ngày một thiếu trong sáng do bị cố tình bỏ qua quy tắc, bị chế biến, pha tạp và cả bị viết sai chính tả. Xu hướng lai căng, vọng ngoại, thích thể hiện cá tính và sự giảm sút tình yêu, ý thức trách nhiệm với tiếng nói của dân tộc trong một bộ phận lớp trẻ đã góp phần làm nên thực trạng này.
Nhiều người Việt đi nước ngoài học tập, làm ăn khi trở về nước đã “quên” tiếng Việt. Trong khi đó, nhiều khách nước ngoài thắc mắc, sao người Việt Nam lại giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt? Phải chăng tiếng Việt không hay? Không văn minh? Lạc hậu?
Xin thưa, chẳng phải! Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết : “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/Quên nỗi mình, quên áo mặc cơm ăn” đã phần nào chứng tỏ “ân tình” tiếng Việt với con người và đất nước tươi đẹp này.
Và lịch sử cũng chứng minh, tiếng Việt đã trở thành vũ khí đấu tranh góp phần cho độc lập dân tộc. Tiếng Việt như là một ngôn ngữ luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam, chịu tác động to lớn và mạnh mẽ của các tiến trình phát triển của Việt Nam.
Theo thời gian, vị trí và vai trò của tiếng Việt cũng ngày càng được đánh giá cao hơn và là một cầu nối quan trọng có tính quyết định trong giao lưu giữa Việt Nam với thế giới.
Việc tiếng Việt được đưa vào giảng dạy ở những đại học nổi tiếng nhất của thế giới và khu vực, được công nhận là môn thi đại học ở Hàn Quốc, được coi là một “chuyên ngữ” trong một số trường phổ thông chuyên ngữ ở Nhật Bản, được coi là ngoại ngữ tự chọn trong trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 ở Đài Loan.
Tự hào hơn khi lần đầu tiên, Tiếng Việt được dạy ở 2 trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới đó là đại học Brown và Đại học Princeton… là những minh chứng hùng hồn cho điều đó.
Đẻ khách quan hơn, xin dẫn lời phát biểu của ngài đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam Saadi Salama khi ông từng nói: “Để học được tiếng Việt cần sự say mê văn hóa, phong tục và những truyền thống lâu đời cùng những trang lịch sử của Việt Nam. Để trở thành người nói tiếng Việt giỏi thì mỗi người nước ngoài cần có tâm hồn Việt Nam, có tư duy một phần giống với người Việt Nam. Tiếng Việt là một ngôn ngữ khó, nhưng khi đã có tình yêu thì không có việc gì khó”.
Hãy nhớ, Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, đa dân tộc và vì vậy cũng là quốc gia có nhiều ngôn ngữ. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước, việc bảo tồn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ dân tộc khác luôn là vấn đề tối cần thiết.
Điều này cũng có nghĩa, Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò của tiếng Việt trong chặng đường hội nhập là cần thiết. Có lẽ, mỗi cá nhân với tư cách và nguồn gốc “Lạc Hồng” cũng nên ý thức giữ gìn, học hỏi tinh thông văn hóa ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ trước khi nghĩ đến chuyện vươn tới các nền văn hóa, ngôn ngữ khác.
Có thể bạn quan tâm
12:50, 20/11/2021
04:30, 20/11/2021
04:00, 20/11/2020
04:00, 20/11/2021
05:00, 20/11/2021