Doanh nghiệp

Tiếp đà tăng trưởng cho tiêu dùng dịch vụ

Hạnh Lê 11/07/2025 01:53

Tiêu dùng dịch vụ gia tăng là một trong những điểm sáng của hoạt động dịch vụ nửa đầu năm 2025.

Điểm sáng của tiêu dùng nội địa

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng qua tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng này là 7,2%. Mặc dù chưa đạt được mức tăng hai con số như thời kỳ trước đại dịch Covid-19, song Cục Thống kê đánh giá đây là một kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

khach quoc te
Du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm

Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 76,5%, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tốc độ tăng cùng kỳ năm 2024 và thấp hơn thời kỳ trước đại dịch. Điều này phản ánh 2 xu hướng: người dân thắt chặt tiêu dùng hàng hóa và tiêu dùng chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng, nhất là sau đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá (Cục Thống kê) cho biết: trong khi tiêu dùng hàng hóa có xu hướng tiết chế hơn thì tiêu dùng dịch vụ lại gia tăng. Đáng chú ý nhất, trong các dịp nghỉ lễ, Tết, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các chuyến du lịch.

Bên cạnh đó, với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm nay tiếp tục tăng cao. Với số lượng khách quốc tế đạt 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước, ngành du lịch đạt 48,5% kế hoạch đề ra của năm. Đây cũng là số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong nhiều năm qua.

Phân theo vùng lãnh thổ, ngoài số khách đến từ các thị trường châu Á truyền thống, khách quốc tế đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc đều tăng với các con số lần lượt là 26,5%; 8,6% và 14,1%.

Sự tăng trưởng trên đã góp phần vào mức tăng doanh thu dịch vụ. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,7% với doanh thu ước đạt 409,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có mức tăng tích cực như Đà Nẵng tăng 18,5%; TP Hồ Chí Minh tăng 16,9%; Hà Nội tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,5%; Cần Thơ tăng 9%.

Thứ hai, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngay từ đầu năm, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các chương trình kích cầu du lịch và phát triển nhiều loại hình du lịch mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Một số địa phương có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước là TP Hồ Chí Minh tăng 28,2%; Lào Cai tăng 27,9%; Hà Nội tăng 22,8%; Đồng Tháp tăng 19,4%; Bình Dương tăng 17,1%.

Mở rộng dư địa tăng trưởng

Dư địa tăng trưởng của tiêu dùng nội địa nói chung và tiêu dùng dịch vụ nói riêng trong 6 tháng cuối năm cũng như những năm tiếp theo là rất lớn.

logistic.jpg
Kinh tế Việt Nam còn nhiều lĩnh vực có thể thể tạo ra dư địa phát triển và xuất khẩu dịch vụ

Theo các chuyên gia, nếu được đầu tư, khai thác hiệu quả, tiêu dùng dịch vụ vừa là động lực quan trọng đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng cao vừa tạo thặng dư thương mại, mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp ở cả trong và ngoài nước. Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, tăng trưởng tiêu dùng dịch vụ hỗ trợ tăng trưởng bền vững, gia tăng giá trị dịch vụ, cân bằng cán cân thương mại, giảm nhập siêu.

TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nhận định: tiêu dùng dịch vụ của Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Hiện nay, tiêu dùng dịch vụ chủ yếu được thúc đẩy từ du lịch trong khi nhiều lĩnh vực khác có hàm lượng tri thức cao có thể thể tạo ra dư địa phát triển lớn và xuất khẩu. Đó là dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics, dịch vụ giáo dục, bưu chính, viễn thông, y tế, bảo hiểm. Việc cơ cấu lại các ngành dịch vụ là nhu cầu cấp thiết nhằm phát huy hết tiềm lực kinh tế.

Cùng với đó, cần tận dụng sự phát triển nhanh của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin làm đòn bẩy để phát triển tiêu dùng dịch vụ. Ngay tại lĩnh vực đang chi phối lớn tiêu dùng dịch vụ là du lịch và tất cả các khía cạnh của du lịch như dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải đều có thể tăng trưởng tốt hơn nữa nếu đưa công nghệ kỹ thuật số vào.

Công nghệ là đòn bẩy hữu hiệu giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả quảng bá, khả năng tiếp cận khách hàng, tạo xu hướng mới, nhất là khách hàng ở các thị trường có khả năng chi trả cao. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Nhìn thấy rõ nhất là thị phần lớn của du lịch trực tuyến Việt Nam vẫn ở các nền tảng nước ngoài như agoda.com, booking.com, traveloka.com…

Ngoài ra, các lĩnh vực khác dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics, dịch vụ giáo dục, y tế, bảo hiểm… đều được kỳ vọng tăng trưởng hiệu quả hơn khi tư duy phát triển, thể chế chính sách thuận lợi hơn để mở đường cho phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiếp đà tăng trưởng cho tiêu dùng dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO