Để Việt Nam thực sự chuyển mình sang nền kinh tế thu nhập cao, theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần tập trung phát triển mạnh hơn thị trường dịch vụ.
Trong nửa đầu năm 2025, khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng cao nhất trong cùng kỳ 15 năm qua, đóng góp hơn 52% vào tăng trưởng GDP. Trong đó, tiêu dùng dịch vụ đã tăng trưởng vượt tiêu dùng hàng hoá, tạo nền tảng quan trọng để dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nhấn mạnh: được thúc đẩy từ cải cách thể chế cùng sự phát triển mạnh của công nghệ, nhiều ngành dịch vụ đang chuyển mình trở thành lĩnh vực năng động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
- Sự bứt phá trong tiêu dùng dịch vụ tại Việt Nam trong thời gian qua, theo ông có sự đóng góp từ những ngành nghề, lĩnh vực nào?
Sau nhiều năm tăng trưởng dựa trên sản xuất, nền kinh tế đang chuyển dịch tăng trưởng dựa trên dịch vụ. Trong đó, tài chính ngân hàng là một trong những lĩnh vực ghi dấu bước tăng trưởng nhanh từ cú hích của công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngoài hệ thống ngân hàng thương mại, sự tham gia của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghệ tài chính đã góp phần tạo dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính mở rộng mang đến sự sôi động cho thị trường dịch vụ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận, sử dụng nhiều dịch vụ hơn, linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó là sự phát triển dịch vụ dựa trên các nhu cầu cơ bản của con người như y tế, giáo dục, du lịch... với sự xuất hiện nhiều hơn các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, các sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao. Sự phát triển này rất quan trọng bởi với dịch vụ tốt được cung ứng ở trong nước không chỉ “giữ tiền” ở lại Việt Nam mà còn thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam khám chữa bệnh, du lịch… tác động trực tiếp đến tiêu dùng dịch vụ trong nước, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP. Tôi cho rằng, đây là hướng đi mới tại thị trường Việt Nam, cần được phát huy tốt hơn nữa.
- Nhiều tổ chức tài chính khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn vào mảng dịch vụ để chuyển mình sang nền kinh tế thu nhập cao. Từ góc độ của doanh nghiệp trong ngành, ông nhìn nhận thế nào về dư địa tăng trưởng của thị trường này?
Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam, ngành dịch vụ đã chuyển dịch mạnh mẽ với tỷ trọng ngày càng lớn hơn, song đánh giá thẳng thắn, nhiều lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế Việt Nam chưa phát triển mạnh và còn nhiều dư địa, tiềm năng tăng trưởng. Ngoài dịch vụ cơ bản mà tôi vừa đề cập trên, các dịch vụ cho doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ đầu tư, thương mại, chuyển dịch xanh cũng rất quan trọng; các dịch vụ vận tải, logistics dựa trên lợi thế khách quan (đường bờ biển dài) và chủ quan (thương mại điện tử, kinh tế số đang tăng trưởng nhanh); các dịch vụ bảo hiểm hay mảng dịch vụ nhà ở - thị trường rất lớn trong lĩnh vực bất động sản nhưng chưa được chú trọng khai thác...
Vì thế, thời gian qua, Việt Nam là quốc gia nhập siêu dịch vụ và chỉ cần thay thế một phần nhập khẩu dịch vụ đó đã góp phần thay đổi cán cân thanh toán.
Không chỉ vậy, nhìn rộng ra các nền kinh tế lớn, trong giai đoạn đầu phát triển, phần lớn các quốc gia thường tập trung vào sản xuất hàng hoá. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra ở những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh hay các quốc gia thành công trong việc đưa nước mình trở thành nền kinh tế phát triển thì dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng chính, đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP, nhất là các ngành dịch vụ đóng góp các giá trị gia tăng cao.
- Ngành dịch vụ đang đứng trước yêu cầu phát triển mới, song đến thời điểm hiện nay, lĩnh vực này chưa có chính sách điều chỉnh riêng, thưa ông?
Đúng là đến thời điểm này, chúng ta chưa có chính sách riêng cho phát triển ngành dịch vụ. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch vừa qua, nhiều cơ chế, chính sách đã được điều chỉnh kịp thời theo yêu cầu của thị trường. Do vậy, tôi cho rằng không nhất thiết có quy định riêng về ngành dịch vụ. Quan trọng và cần thiết hơn là việc điều chỉnh chính sách trong từng lĩnh vực, ngành nghề, chẳng hạn như chính sách thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tiếp tục có chính sách ưu đãi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam để tăng xuất khẩu dịch vụ tại chỗ; các chính sách tháo gỡ điểm nghẽn trong quy định pháp luật liên quan đến thị trường dịch vụ cho doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của ngành.
Ngoài ra, trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, vai trò của ngành dịch vụ, nhất là tiêu dùng dịch vụ cần được nhấn mạnh hơn nữa để tập trung nguồn lực đầu tư cải thiện hạ tầng (hạ tầng giao thông, hạ tầng số…) đón đầu tăng trưởng. Đồng thời, tiếp tục thể chế hoá chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ “bộ tứ chiến lược” nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, quản trị, cung ứng các sản phẩm, giải pháp dịch vụ mới đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Sự đồng hành và hỗ trợ từ cơ chế, chính sách cùng với nhu cầu lớn của thị trường đang tạo niềm tin của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhất là trong thời gian tới, khi thu nhập người dân ngày càng cải thiện, số lượng doanh nghiệp gia tăng, hội nhập kinh tế, thương mại đầu tư ngày càng mạnh mẽ hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!