Để tăng sức chống chịu với các "cú sốc" Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp có giải pháp kích cầu, cũng như đưa ra các chính sách tài khoá mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong năm 2024.
>>>Biển Đỏ “rực lửa”: Nguy cơ lạm phát "đè nặng" doanh nghiệp
Chia sẻ với DĐDN, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam lạc quan, nền kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các nền kinh tế lớn là những thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam đã phục hồi tích cực.
"Ngoại trừ EU thì các nền kinh tế khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, ÚC, các nước ASEAN đang phục hồi mạnh mẽ cho thấy nhu cầu đang tăng trưởng ổn định", ông Bình nhận định.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, các thành tích ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2023 là nền tảng để tiếp tục duy trì là cơ sở thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước, của người tiêu dùng để có triển vọng đầu tư, bán lẻ và tiêu dùng trong nước cao hơn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng.
"Chúng ta cũng có cơ sở để trông đợi vào sự cải cách của môi trường đầu tư kinh doanh đang được tiếp tục, từ đó kỳ vọng đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư tư nhân từ nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024", ông Bình phân tích.
Đồng thời cho biết, các con số gần đây cho thấy có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động chuyển dịch các chuỗi cung ứng mới. Điều này hứa hẹn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng và đầu tư tư nhân trong nước cũng tốt hơn so với năm trước, đây là yếu tố đóng góp trực tiếp cho tổng cầu nền kinh tế.
Theo vị chuyên gia, các chỉ báo đều cho thấy xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư đều gia tăng, đây là các yếu tố của tổng cầu tích cực để chúng ta tin tưởng năm 2024 sẽ tăng trưởng tốt hơn năm trước.
>>>Doanh nghiệp gỗ "lấy ngắn nuôi dài"
Không lạc quan như vậy, TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT thì cho rằng, để GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5%, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khoảng 3% - 3,2%, thấp hơn 0,63 - 0,8 điểm phần trăm so với năm 2023; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,2%- 6,9% cao hơn 2,46 - 3,16 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7% - 7,1% cao hơn 0,28 điểm phần trăm.
“Đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tăng rất cao trong năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu bấp bênh và bi quan tác động rất mạnh tới sự phục hồi và tăng trưởng cao của khu vực công nghiệp. Tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu, khó thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng cao”, TS Nguyễn Bích Lâm thông tin.
Từ những phân tích trên, theo các chuyên gia kinh tế, để có thể ứng phó với những tình huống khó lường có thể xảy đến, bên cạnh những kịch bản tăng trưởng tích cực, Việt Nam cũng cần chuẩn bị cả kịch bản tăng trưởng xấu hơn, đây là kịch bản “không ai mong muốn nhưng cần có” để Việt Nam có thể ứng phó kịp thời những tình huống mới phát sinh, ảnh hưởng đến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ với DĐDN, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 nên có thêm kịch bản xấu, để phòng những “cú sốc” bất ngờ. Chính phủ 3 tháng dự báo tình hình tăng trưởng một lần, trong 3 tháng ấy nếu có “cú sốc” lớn thì phương án kịch bản xấu cần phải sẵn sàng để đối mặt.
"Trước những cú sốc từ bên ngoài vậy, câu chuyện ổn định tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế là rất quan trọng. Ở góc độ vĩ mô cần chuẩn bị tốt cho các kịch bản kinh tế năm 2024 để đối phó với rủi ro từ bên ngoài. Trong đó, lành mạnh hoá hệ thống tài chính, ngân hàng, bất động sản hay tạo điều kiện để nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế là những giải pháp đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thực hiện được tốt. Đặc biệt, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp có những giải pháp kích cầu cả bên ngoài và bên trong, cũng như đưa ra các chính sách tài khoá mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong năm 2024", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Đồng ý với quan điểm trên, nên dù đề xuất có thêm kịch bản tăng trưởng 7% trong năm 2024 để tạo ra những nỗ lực phi thường góp sức vào tăng trưởng kinh tế năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, nhưng chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình vẫn đề xuất có thêm kịch bản xấu để lường trước và ứng biến kịp thời trước những “cú sốc” bất ngờ có thể xảy đến.
Có thể bạn quan tâm
13:18, 02/02/2024
05:00, 30/01/2024
04:00, 27/01/2024