Tiếp tục kiểm soát chuyển giá, trốn lậu thuế

ĐÌNH ĐẠI 21/01/2021 11:00

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế, phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế.

Tăng cường thanh tra hoạt động chuyển giá

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2020, mặc dù bối cảnh, tình hình đất nước và toàn cầu đặc biệt khó khăn, thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Thuế ước đạt trên 1.275 triệu tỷ đồng, vượt 1,7% so với dự toán (tương ứng mức vượt gần 21 nghìn tỷ đồng), vượt trên 172 nghìn tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 1.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử…

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử…

Đến năm 2020 đã cơ bản hoàn thành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 với nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính sách pháp luật về thuế đã được hoàn thiện theo hướng bao quát, phát triển nguồn thu, bảo đảm tính thống nhất, đơn giản, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trên toàn quốc với 99,9% số doanh nghiệp khai, đăng ký nộp thuế điện tử, 95,5% số doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; đã hoàn thành tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng dịch vụ công Quốc gia vượt 161% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thuế cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu trong năm 2021, toàn ngành Thuế cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai tốt, ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.

“Ngành Thuế cần tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, nhất là trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách (miễn, giảm thuế, giãn thuế) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19”. Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao chất lượng nhân lực ngành thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, quy định của ngành khi thực thi công vụ.

"Thắt chặt kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, nhất là các vị trí dễ xảy ra tiêu cực, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ; kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi Ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất". Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế, tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử… tiến tới thanh tra, kiểm tra điện tử; đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế; phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức.

Phạt tiền gấp 3 lần số thuế trốn

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/12/2002 quy định: Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi vi phạm không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế…

Không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Mức phạt nói trên cũng áp dụng với hành vi sử dụng hoá đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hoá đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hoá không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.

Sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.

Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế.

Nghị định nêu rõ, phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định ở trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; phạt tiền 2 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định ở trên mà có một tình tiết tăng nặng; phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định ở trên có hai tình tiết tăng nặng; phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định ở trên có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị định số 125/2020/NĐ-CP sẽ hạn chế hành vi trốn thuế?

    Nghị định số 125/2020/NĐ-CP sẽ hạn chế hành vi trốn thuế?

    04:50, 22/10/2020

  • Cấm sử dụng viện trợ để rửa tiền, trốn thuế

    Cấm sử dụng viện trợ để rửa tiền, trốn thuế

    00:00, 14/07/2020

  • Doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế như thế nào?

    Doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế như thế nào?

    05:01, 30/04/2020

  • Vụ Asanzo: Có dấu hiệu trốn thuế, chưa đủ căn cứ xác định phạm tội

    Vụ Asanzo: Có dấu hiệu trốn thuế, chưa đủ căn cứ xác định phạm tội

    12:30, 28/10/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiếp tục kiểm soát chuyển giá, trốn lậu thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO