Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố, Chính phủ Mỹ sẽ tạm thời miễn trừ thuế quan cho hơn 400 loại sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tính cho đến thời điểm hiện tại, tổng cộng có 437 loại sản phẩm của Trung Quốc được miễn trừ, bao gồm những mặt hàng tiêu dùng như đèn cây thông Giáng Sinh, ống hút nhựa, dây xích thú cưng và bảng mạch. Những sản phẩm trên là một phần của gói 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế hồi năm ngoái.
Bên cạnh đó, các nhóm hàng được miễn trừ thuế quan sẽ được chia thành ba đợt. Một nhóm nằm trong đợt áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu vào ngày 24/9/2018. Lệnh miễn trừ cho nhóm này sẽ hết hạn vào ngày 7/8/2020.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 16/09/2019
11:00, 14/09/2019
06:22, 13/09/2019
14:00, 12/09/2019
Một nhóm khác thuộc lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD bị áp thuế từ ngày 23/8/2018 với lệnh miễn trừ dự kiến sẽ hết hạn sau một năm kể từ khi công bố thông báo này (20/9/2020). Nhóm cuối cùng nằm trong lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD bị áp thuế từ ngày 6/7/2018. Thời gian miễn trừ cũng sẽ hết hạn vào ngày 20/9/2020.
Theo các chuyên gia, việc miễn giảm thuế quan lần này của Mỹ là tín hiệu lạc quan khi các quan chức cấp thứ trưởng của Mỹ và Trung Quốc đang gặp nhau tại Washington để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp cao dự kiến sẽ được diễn ra vào tháng Mười tới.
Mặc dù vậy, bất chấp những tín hiệu lạc quan giữa hai quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là một bước "đệm" được chính quyền Mỹ sử dụng để trấn an dư luận. Trên thực tế, việc hai quốc gia nối lại đàm phán không ngăn cản được việc nền kinh tế thế giới suy giảm.
Theo đó, tác động tồi tệ nhất sẽ được cảm nhận một cách rõ ràng vào năm 2021, khi mức tăng trưởng toàn cầu giảm 0,5%.
Chuyên gia kinh tế Nick Marro đánh giá, vẫn còn quá sớm để cho rằng Mỹ đã thay đổi hoàn toàn chính sách thương mại với Trung Quốc. "Đây nên được hiểu là sự quan tâm của Washington đối với kinh tế nội địa Mỹ hơn là nhượng bộ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc miễn thuế sẽ giúp xây dựng thiện chí đối với cuộc đối thoại thương mại vào tháng 10 tới", ông cho biết.
Đồng quan điểm, bà Chen Wenling, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Trao đổi kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng, Washington ngày càng để lộ nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng có một thỏa thuân tạm thời với Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ khiến cuộc chiến thương mại này kéo dài và có nguy cơ lan rộng toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Về cơ bản, Trung Quốc không còn mong muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận như trước do chuỗi cung ứng đã bị thiệt hại vì thương chiến trong những tháng qua. Điều này xuất phát từ việc Trung Quốc nắm rõ rằng, dù đó là thỏa thuận gì thì cũng khó mà đảo ngược những thiệt hại mà cuộc thương chiến đã gây ra.
Cùng với đó, Trung Quốc đã liên tục củng cố con đường phát triển thông qua việc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ trong hai thập kỉ qua. Ví dụ, trong khi quốc gia này đã giảm nhập khẩu từ Mỹ, chính quyền Trung Quốc vẫn giữ mức thuế nhập khẩu từ các quốc gia khác bằng nhau hoặc giảm nhẹ, do đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc ít phụ thuộc vào hàng hóa từ Mỹ.
Trung Quốc còn có một vũ khí quan trọng khác để tăng trưởng sức mạnh trong trung và dài hạn là tiềm năng đổi mới của các công ty công nghệ cao. Dữ liệu cho thấy Mỹ vẫn là quốc gia sở hữu nhiều các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ trị giá hơn 1 tỷ USD nhất trên thế giới, nhưng sự thống trị này đang giảm trong khi Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp.
Chính vì vậy, trong tình hình hiện nay, thật khó có thể kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ có những bước nhượng bộ lớn lao trước Mỹ, mà thay vào đó là những điều kiện không quá lớn về cải cách cơ cấu và các cơ chế giám sát tuân thủ theo yêu cầu của Washington. Dường như cán cân trong cuộc chơi này đã thay đổi, nhiều khả năng, Mỹ đã không còn là quốc gia nắm đằng chuôi.