Tìm lại câu đối khuyến thương

PGS. TS Nguyễn Tá Nhí - viện hán nôm 16/02/2018 16:30

Di dưỡng tính trung thiên, luyện đạt nhân tình giai học vấn; Tài bồi tâm thượng địa, động minh thương giới tức kinh luân.

Trong kho tàng văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng của người Việt, có một thành tố văn hoá mang đậm tính “bác học” hiện diện trên nhiều di sản văn hoá truyền thống, đó là câu đối. Tuy nhiên, trong soạn thảo câu đối, các nhà Nho Việt Nam thời trước hầu như chỉ chú ý đến công tác khuyến học, khuyến nông hoặc thi thoảng mới thấy khuyến công, còn việc khuyến thương thì chẳng thấy bao giờ…

Ấy thế mà ở làng Kẻ Sặt thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh lại có đôi câu đối khuyến thương đích thực…

Đầu đông năm ngoái, tôi được ông Nguyễn Như Huyền mời về thăm quê ông ở làng Kẻ Sặt thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Thế là đã hơn bốn mươi năm nay tôi mới có dịp quay trở lại viếng thăm đất Kẻ Sặt giàu có hào hoa này. Chả là vào thời kháng chiến chống Mỹ, khoa Trung Văn trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ sơ tán về ở làng Kẻ Sặt. Bấy giờ tôi là giảng viên dạy môn Tác văn, được khoa bố trí cho ở tại nhà ông Huyền.

Năm ấy ông là giáo viên tiểu học đứng lớp đã được chục năm rồi, ông bà sinh được hai cháu, cuộc sống khá tươm tất no đủ. Đến năm 1981 thì vợ chồng ông giáo sinh thêm ba cháu nữa, nên hoàn cảnh cũng eo hẹp dần, lương tháng của giáo viên tiểu học dường như không đủ chi tiêu, do vậy ông tính đến việc xin về nghỉ mất sức. Nói đến đây nhà giáo bỗng tỏ vẻ trầm ngâm suy nghĩ, dường như có điều gì khó nói ra thành lời. Bỗng nhiên ông đằng hắng một tiếng, rồi thong thả kể tiếp. Ngày trước cha mẹ tôi làm nghề buôn bán, cũng kiếm được bát ăn bát để, nên các cụ đã dành dụm tậu được mấy mẫu ruộng và mấy sào vườn, lại làm được nhà ngói, cây mít, có câu đối thờ viết bằng chữ Hán.

Đến đây ông mới chỉ vào đôi câu đối treo ở khu bàn thờ và nhờ tôi dịch giúp. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, ông Huyền vội giảng giải, ngày ông ở đây nhà tôi có đến sáu đôi câu đối sơn son thếp vàng rất cổ kính, song trong những năm tám mươi của thế kỷ trước năm đôi đã đội nón ra đi, nay còn lại có một. Tôi nhìn theo phía tay nhà giáo chỉ thì thấy một đôi câu đối lòng máng dài khoảng hai mét ôm khít vào chiếc cột con ở khu bàn thờ. Đôi câu đối viết bằng chữ Hán theo kiểu Lệ thư, được khắc chữ nổi rất tinh xảo, đã thực sự làm khó người đọc. Mỗi vế cấu đối gồm mười hai chữ, không thấy ghi tên người biên soạn, nhưng có dòng lạc khoản ghi nhận câu đối được khắc vào mùa xuân năm Giáp Thân (1944) niên hiệu Bảo Đại nhà Nguyễn. Ông Huyền cho biết thêm, đôi câu đối này viết bằng lối chữ Lệ, đã có nhiều khách am tường thơ văn Hán Nôm đến chơi, song ai nấy đều lắc đầu bảo rằng không đọc được. Có người mách kế cho ông Huyền rằng, hãy tìm mời một cán bộ ở Việt Hán Nôm ở Hà Nội về đọc giùm cho may ra mới tháo gỡ được. Ông Huyền liền tìm cách liên hệ với tôi. Hôm ấy tôi đã vui vẻ nhận lời mời, song nghĩ lại mà thấy nửa mừng nửa lo. Mừng vì đã lâu lắm rồi không có dịp về thăm lại Trang Liệt, song lại thấy lo bởi vì Trang Liệt là làng quê thuộc vùng đất Đông Ngàn địa linh nhân kiệt, giầu truyền thống khoa bảng.

Tôi nhớ mãi lời dạy của một thày giáo dạy lớp chuyên tu Hán Nôm năm 1974 là nhà giáo Đỗ Ngọc Toại, quê ở Kinh Bắc. Thày Toại đã tự hào đọc cho chúng tôi câu ngạn ngữ nói về đất này rằng: Dốt Đông Ngàn còn hơn người ngoan thiên hạ. Tôi cứ lo thế hẳn không thừa đâu ! Kẻ Sặt Đông Ngàn là đất học nổi tiếng cả nước, người ta còn không đọc được đôi câu đối chữ Lệ ấy, còn mình lỡ mà đọc không được thì chẳng phải phụ cả sự kỳ vọng của người khác ư. Đang lúc đăm chiêu suy nghĩ, chợt có hai doanh nhân từ ngoài đi vào, một nam một nữ. Ông Huyền vội giới thiệu rằng, đây là cháu Nguyễn Như Huấn con trai lớn của tôi và người kia là Nguyễn Thị Hạnh cháu gọi tôi bằng chú, cả hai doanh nhân đều có cửa hàng ở mặt phố Từ Sơn. Tôi bỗng thấy nóng ran khắp người, một cảm giác lâng lâng khó tả choáng ngợp cả đầu óc tôi, khiến tôi đứng đờ ra suy nghĩ. Nhà giáo Nguyễn Như Huyền đã nhận ra, vội mời tôi uống nước để gỡ bí cho tôi. Thế nhưng tôi thấy choáng ngợp đâu phải vì câu đối khó hiểu, khó đọc, mà là vì câu đối có nội dung khác lạ với suy nghĩ của người thường xưa nay hiếm gặp.

Trong lúc soạn thảo câu đối, các nhà Nho Việt Nam thời trước hầu như chỉ chú ý đến công tác khuyến học, khuyến nông hoặc thi thoảng mới thấy khuyến công, còn việc khuyến thương thì chẳng thấy bao giờ, thế mà ở đây lại là đôi câu đối khuyến thương đích thực. Chủ nhân của đôi câu đối quả là có tầm nhìn xa trông rộng:

Di dưỡng tính trung thiên, luyện đạt nhân tình giai học vấn;
Tài bồi tâm thượng địa, động minh thương giới tức kinh luân.

Tạm dịch là:

Dưỡng nuôi chân tính giữa trời, thấu đạt tình người đều do học vấn;
Vun trồng tấm lòng trên đất, thạo nghề buôn bán ấy tức kinh luân.

Tôi càng thấy choáng ngợp bởi lẽ nhà giáo Nguyễn Như Huyền luôn bảo rằng mình không biết chữ Hán, không đọc được câu đối của gia đình, thế mà ông lại nhận ra ý nghĩa đầy đủ trong lời di giáo của cụ thân sinh và thực hiện hoàn hảo như thế. Ông đang làm giáo viên đứng lớp ở trường làng đã hai mươi hai năm rồi mà lại xin nghỉ việc để đi chạy chợ. Sức vóc mảnh khảnh của ông giáo làng như thế mà lại bươn trải trong thương trường khốc liệt với chiếc xe thồ cọc cạch:

Leng keng, lạch cạch, lanh canh,
Đi xe về bộ, đích danh xe thồ.
Thôi thì đạm ở Bến Hồ,
Than đen Chợ Nội vẫn thồ về đêm.
(Trích thơ của Nguyễn Như Huyền)

Thực quá diệu kỳ! Nhà giáo Nguyễn Như Huyền đã hiểu được đạo lý mà tiền nhân gửi lại trong đôi câu đối thờ Thấu đạt tình người đều do học vấn. Càng diệu kỳ hơn là việc ông đã nhận ra chân lý Thạo nghề buôn bán ấy tức kính luân, để tự mình dấn thân vào thương trường. Đồng thời ông còn dạy bảo cháu ông, dạy bảo con ông làm theo lời giáo huấn của tiền nhân để bây giờ trở thành những doanh nhân thành đạt. Ý nghĩa của đôi câu đối khuyến thương ấy đã được cha con nhà giáo, chú cháu nhà giáo lĩnh hội đầy đủ. Đây quả là một đạo lý của người xưa dạy bảo chúng ta Động minh thương giới tức kinh luân (thạo nghề buôn bán ấy tức kinh luân), rất đáng suy ngẫm !

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tìm lại câu đối khuyến thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO