Trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 12, thị trường chứng khoán có 2 phiên giảm điểm, kéo dài chuỗi giảm kể từ ngày 8/11, nhưng phiên thứ ba tăng điểm khá mạnh.
Quy luật vận động của thị trường tháng 12 hàng năm liệu có hỗ trợ thị trường hồi phục?
Xác suất tăng giảm 50/50
Theo thống kê từ Bloomberg, trong 10 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có 5 lần tăng và 5 lần giảm trong tháng 12, tỷ suất lợi nhuận bình quân là 0,79%. Xét tháng 11 từ năm 2019 đến nay, thị trường có 3 lần tăng và 8 lần giảm, tỷ suất lợi nhuận bình quân âm 2,15%.
Thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt nhất trong quý I, trong đó tháng 1 đạt bình quân 5,16%, với 8 lần tăng, 3 lần giảm; tháng 2 đạt bình quân 0,39%, với 8 lần tăng, 3 lần giảm; tháng 3 đạt 2,39% với 1 lần tăng, 10 lần giảm.
Trong khi đó, thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT về diễn biến tháng 12 của 5 năm gần đây cho thấy, chỉ số VN-Index có 2 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần đi ngang.
Xét thời gian dài hơn, kể từ khi thị trường chứng khoán khai trương năm 2010, VN-Index có 10 lần tăng, 8 lần giảm và 1 lần đi ngang trong tháng 12.
Trung bình tháng 12, chỉ số tăng 1,6%, trong đó trung bình các tháng tăng là 7,23%, trung bình các tháng giảm là -5,4%.
Như vậy, các thống kê cho thấy, trong tháng 12 của nhiều năm qua, số lần tăng và giảm điểm của thị trường nhìn chung là tương đương, nhưng mức tăng lớn hơn mức giảm.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang trong giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ và mạch bán ròng của khối ngoại đã kéo dài sang tháng thứ năm liên tiếp trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Bên cạnh đó, thời gian tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đến ngày 20/12 mới kết thúc.
Trong khi đó, chứng khoán toàn cầu được dự báo có thể trải qua giai đoạn khó khăn cho đến khi chính thức có thông tin về việc Mỹ có áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/12 tới hay không.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, VNDIRECT cho biết, kết quả của VN-Index trong tháng 12 hàng năm bị chi phối bởi chu kỳ thị trường cổ phiếu.
Những năm trong chu kỳ đi lên như giai đoạn 2004 - 2006 hay 2013 - 2017, tháng 12 thường có kết quả tăng giá. Năm 2018 và 2019 là chu kỳ điều chỉnh của thị trường nên kết quả năm nay có thể là giảm, như đã xảy ra trong tháng 12 năm ngoái.
Theo ông Du, chu kỳ dòng tiền của các quỹ đầu tư lớn cũng tác động tới thị trường giai đoạn cuối năm.
Hiện tại, dòng vốn quốc tế không mấy ưa chuộng tài sản rủi ro như cổ phiếu của các thị trường mới nổi và cận biên.
Thay vào đó, họ ưa chuộng các tài sản có độ an toàn cao như trái phiếu chính phủ Mỹ, cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ.
Điều này có thể giải thích cho động thái nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường Việt Nam từ tháng 8/2019 đến nay để giảm tỷ trọng cổ phiếu và mua vào các tài sản dự phòng rủi ro.
Có thể bạn quan tâm
03:01, 30/11/2019
11:02, 28/11/2019
11:01, 22/11/2019
04:00, 20/11/2019
11:00, 05/12/2019
10:29, 02/12/2019
Một số cơ hội đầu tư
Như mọi năm, nửa đầu tháng 12 năm nay sẽ có các thông tin, sự kiện tác động đến thị trường chứng khoán như hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, dự phóng số liệu vĩ mô cả năm, ước tính kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp, hoạt động chốt giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư...
Nửa sau của tháng 12 sẽ là giai đoạn cao điểm về mặt thông tin trong năm. Về tổng thể, các thông tin này được dự báo sẽ có chiều hướng tích cực và hỗ trợ xu hướng thị trường chung.
Tuy nhiên, để thị trường giao dịch sôi động, cần sự kết hợp từ cả yếu tố thông tin bên ngoài, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến động thị trường chứng khoán toàn cầu.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và Vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, mặt bằng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã quay trở về vùng giá an toàn hơn tương đối so với giai đoạn năm 2017 - 2018, nhất là khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng nhờ bối cảnh vĩ mô thuận lợi.
Đây là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức trung bình cao. Tuy nhiên, trừ khi xuất hiện các tín hiệu tích cực hơn về thanh khoản, dòng tiền…, việc đẩy tỷ trọng danh mục lên mức quá cao hay sử dụng công cụ giao dịch ký quỹ (margin) nên được hạn chế, khi mà rủi ro thị trường tiếp tục điều chỉnh xuống vùng giá sâu hơn vẫn hiện hữu, trong bối cảnh trạng thái hiện tại của thị trường đang khá mong manh, dễ chịu tác động bởi các yếu tố thông tin.
Sau đợt suy giảm vừa qua, thị trường đang có dấu hiệu tìm được điểm cân bằng khi chỉ số VN-Index có phiên giao dịch ngày 4/12 sôi động và điểm số tăng 12,47 điểm, đạt gần 966 điểm.
Theo phân tích kỹ thuật, kênh giá dao động của chỉ số trong hơn 1 năm qua là 900 - 1.020 điểm, hiện tại chưa có nguy cơ vỡ kênh giá này, tức khả năng giảm sâu hay tăng cao đều thấp.
Theo VNDIRECT, đầu tư ngắn hạn đối với cổ phiếu trong tháng 12 sẽ khó khăn hơn khi phần đa cổ phiếu đang trong xu hướng đi xuống.
Các đợt hồi phục thường diễn ra rất nhanh và rủi ro. Ở góc độ cơ bản, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tăng giá sau đợt sụt giảm gần đây, vì kết quả kinh doanh năm 2019 vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Ngoài ra, giá các cổ phiếu lớn khác như FPT, MWG… có thể sẽ sớm cân bằng trở lại và tăng giá trong thời gian còn lại của tháng 12.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán MB, nhịp giảm của thị trường chứng khoán vừa qua là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục cho chiến lược dài hạn, có thể tính theo quý.
Kể từ phiên khối tự doanh các công ty chứng khoán bán ròng hơn 807 tỷ đồng ngày 21/11, khối này đã túc tắc mua lại gần 385 tỷ đồng trong 8 phiên liên tiếp sau đó.
Về cơ hội đầu tư, nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ nhiều khả năng sẽ được ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng đáng quan tâm khi đang có 3 quý giảm liên tiếp.