Triển lãm PROPACK song hành cùng với VIETFOOD & BEVERAGE giải bài toán triển lãm “2 trong 1” đóng vai trò như mắt xích giữa Nhà sản xuất và Nhà mua hàng.
>>9-12/11: Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm, Đồ uống
Ngày 9/11, lễ khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm, đồ uống và thiết bị công nghệ chế biến đã diễn ra tại Triển lãm ICE, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Năm 2022, mặc dù trải qua 2 năm xáo trộn bởi dịch bệnh, nhưng lượng doanh nghiệp tham gia ngành máy móc thiết bị, công nghệ chế biến, đóng gói (Propack) vẫn đạt số lượng 250 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Như Ấn Độ, Ba Lan, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Thụy Điển, Đài Loan, Việt Nam... Tuy chưa nhiều nhưng nhìn vào bối cảnh chung thì việc các nhà trưng bày (exhibitors) chọn lựa Việt Nam để giới thiệu công nghệ mới là một tín hiệu tích cực cho thị trường.
Triển lãm được nhà tổ chức Vinexad tập trung xây dựng theo mô hình kết nối thương mại B2B (Business to business) giữa các nhãn hàng quốc tế với các nhà nhập khẩu, phân phối; kết nối các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tới khách hàng mua nước ngoài; hỗ trợ quảng bá sản phẩm tới công chúng tham quan.
Tại triển lãm, các khu vực ngành hàng thực phẩm - đồ uống, máy móc - thiết bị sẽ được phân chia cụ thể, giúp các khách hàng dễ dàng tìm kiếm và kết nối làm việc hiệu quả.
Mô hình triển lãm theo đuổi mục tiêu tạo nên sự sôi động trong thương mại và sản xuất của ngành F&B bởi các doanh nghiệp tham gia và khách tham quan tới từ nhiều quốc gia và tỉnh thành phố.
Theo thống kê, số lượng khách tham quan tăng từ 15-25% sau mỗi kỳ triển lãm, số lượng doanh nghiệp tham gia mang theo nhiều thương hiệu mới với tiêu chuẩn chất lượng và hình thức ngày càng cao hơn, tạo nên nhiều sức hút hơn tới các nhà mua (buyers) quốc tế chiếm 15-20% tổng số khách tham quan (9.000 lượt mỗi kỳ triển lãm).
Góp mặt tại Triển lãm Vietfood & Beverage - Propack là các doanh nghiệp Việt Nam uy tín trong ngành thực phẩm: Tân Nhất Hương, Richy, DH Food, Yến sào Khánh Hòa, Nosafood, Saita, Trà Chính Sơn, Bột Mỳ Uni-President… và các thương hiệu trong ngành đóng gói bao bì, như VMS, Technomaking, Ấn Hồng, Thuận Thành, Bao bì cao cấp Việt Nam, Saya Pack…
>>Từ một đồ uống nhà làm đến kẻ thống trị thị trường nước điện giải 33 tỷ USD
>>Starbucks thay CEO: Chương mới cho “gã khổng lồ” đồ uống?
Bên cạnh đó, triển lãm nhận được sự quan tâm tham gia của các doanh nghiệp quốc tế mang tới những sản phẩm tiêu biểU, như rượu mơ, rượu hoa quả của công ty Choya (Nhật Bản); gói hút ẩm chuyên dùng trong đóng gói thực phẩm của công ty Obsortech (Thụy Điển); hồng sâm của công ty Hansamjang (Hàn Quốc); các sản phẩm thịt trâu đến từ các công ty Allanasons, India Frozen Foods, Rustam Foods, Al-sameer (Ấn Độ).
Trao đổi tại triển lãm, bà Trần Thanh Trang, Giám đốc công ty Saya Pack cho biết triển lãm rất thiết thực với công ty, vì qua triển lãm công ty sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các đối tác và các thị trường mới trên thế giới.
Bà Trần Thanh Trang chia sẻ, thế mạnh của công ty là cung cấp các giải pháp từ sơ chế đến bảo quản, đóng gói kỹ thuật bao bì chế biến thực phẩm chế biến sẵn với công nghệ có xuất xứ từ Nhật Bản.
Theo bà Trần Thanh Trang, khuynh hướng tại Nhật Bản hiện nay là hướng đến bao bì thân thiện với môi trường với mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm thiểu khí thải CO2. Vấn đề này thay đổi hoàn toàn cấu trúc của vật liệu nhựa đối với bao bì thực phẩm khác hoàn toàn so với trước đây.
Trước đây dùng màng phức hợp hay những chất để pha trộn trong cấu trúc nhựa để bảo quản thực phẩm. Còn hiện nay sẽ quy về một loại cấu trúc nhựa. Ví dụ, PP dành cho thực phẩm qua quá trình xử lý nhiệt chỉ cần cấp đông hoặc bảo quản ở điều kiện thông thường. Đặc biệt là có thể dễ dàng tái chế.
“Ngoài ra, trong chất liệu phối trộn sẽ có các thành phần từ cây mía, khoai, ngô… để giúp thân thiện với môi trường và dễ phân huỷ”, bà Trần Thanh Trang nói.
Tuy nhiên, đối với phần dễ phân huỷ còn phụ thuộc vào thời gian mà người sản xuất thực phẩm cần để đưa thực phẩm ra ngoài thị trường. Đơn cử, với các thực phẩm ăn liền dễ dàng sử dụng được những bao bì tự huỷ trong vòng 3 tháng hoặc 6 tháng. Còn những bao bì tiệt trùng cần thời gian từ 6 tháng đến 12 thì cần phải có bao bì đặc biệt hơn vì không thể tự huỷ mà cần có thời gian.
Nêu kiến nghị với các cơ quan chức năng về sản phẩm mới thân thiện với môi trường của công ty, bà Trần Thanh Trang cho biết, đối với những công nghệ mới Saya Pack giới thiệu với khách hàng thì sẽ có một số giải pháp vượt qua khỏi thời gian quy định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế).
Vấn đề này cần phải cung cấp thêm những thông tin để doanh nghiệp biết được công nghệ này bảo quản thực phẩm sẽ không còn giữ được thịt không còn 3 ngày mà có thể sử dụng được đến 6 hay 7 ngày thậm chí 10 ngày.
Nếu sử dụng phương pháp ổn định cấu trúc của thực phẩm trước khi đóng gói, cũng như trong quá trình đóng gói sẽ can thiệp vào đó những tác nhân giống như thay vì bảo quản bằng không khí thông thường thì có thể sử dụng nồng độ khí CO2 hoặc oxy phối trộn lại để giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn, ngon hơn, đồng thời đóng góp đẹp hơn, vệ sinh hơn và không phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Ông Shimizu Yuki, Giám đốc Công ty Choya, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm rượu mơ đến từ Nhật Bản đánh giá, sau khi tham dự Vietfood & Beverage-Propack 2022 tại TP. HCM vào tháng tháng 8/2022 đã thu được kết quả kinh doanh tích cực. Chính vì vậy, Công ty Choya đã quyết định tham gia tiếp triển lãm Vietfood tại Hà Nội với hy vọng tìm được các đối tác tiềm năng.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 06/09/2022
04:30, 04/09/2022
06:00, 01/09/2022
12:32, 23/08/2022
11:23, 11/05/2022