TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ tháng 1/2022

BBT 28/01/2022 18:25

Bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng, chống dịch dịp Tết; Quyết tâm thực hiện thành công kế hoạch năm 2022...... là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 1/2022.

- Đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng, chống dịch dịp Tết

Tại Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 19/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tập trung chỉ đạo, triển khai “Thần tốc” và “Thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho những người có nguy cơ cao.

- Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.

- Nghị quyết 01/NQ-CP: Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022

Ngày 8/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Theo đó, chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công; phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở;...

Ngày 10/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19…

- Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022

Tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành ngày 10/1/2022 Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2021, Chính phủ thống nhất Chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương chủ động thích ứng an toàn hiệu quả phục hồi phát triển”; yêu cầu từng thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt và tổ chức triển khai nghiêm túc, sáng tạo, kịp thời, quyết liệt các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; ưu tiên nguồn lực, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2022, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo…

- Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ 1/2/2022 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ

Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ 1/2/2022 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước

Ngày 10/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước.

Theo đó, đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân.

- Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cho học sinh đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán sớm nhất có thể

Tại Thông báo 18/TB-VPCP ban hành ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỉ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vaccine cho đối tượng từ 12-17 tuổi.

- Xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế

Theo Công điện 513/CĐ-VPCP ban hành ngày 19/01/2022 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ; tổ chức hội thảo chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đối tượng tác động để tạo sự đồng thuận, thống nhất; đẩy mạnh thông tin, truyền thông về việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch và thông điệp "Việt Nam là điểm đến an toàn", xây dựng lộ trình cụ thể và thông báo công khai để các chủ thể có liên quan biết, chủ động thực hiện.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; chuẩn bị về năng lực y tế, sẵn sàng về nhân lực, vật lực, chủ động các phương án, giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và xử lý sự cố y tế phát sinh.

- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai bị phạt đến 50 triệu đồng

Ngày 6/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.

Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; lĩnh vực đê điều là 100 triệu đồng; lĩnh vực thủy lợi là 250 triệu đồng.

- Điều kiện mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/3/2022

Ngày 6/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; về các loại hợp đồng mẫu kinh doanh bất động sản; về chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn; chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.

- Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ozon, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Theo đó, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đất

Ngày 10/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Nghị định quy định việc triển khai dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, sử dụng đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đất, bảo đảm không làm ô nhiễm, suy giảm, thoái hóa chất lượng đất, không làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm không làm ô nhiễm, suy thoái đất và được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Mức thu lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm kể từ 1/3/2022

Theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP  ban hành ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, với ô tô điện chạy pin, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

- Ngược đãi người giúp việc gia đình bị phạt đến 75 triệu đồng

Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nêu rõ, đối với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 50-75 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình; không trả cho lao động là người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

- Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: 1- Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 2- Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; 3- Phục vụ công dân số; 4- Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; 5- Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

- Tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Ngày 18/01/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Quyết định nêu rõ định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương cho từng dự án. Cụ thể, phân bổ vốn ngân sách trung ương của Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tối đa 15% cho các bộ, cơ quan trung ương; tối thiểu 85% cho các địa phương.

Đối với Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, vốn sự nghiệp ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trên cơ sở kế hoạch hằng năm căn cứ nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo và đề xuất kinh phí hỗ trợ thực hiện, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Định mức hỗ trợ: Nhà xây mới 40.000.000 đồng/hộ; sửa chữa nhà 20.000.000 đồng/hộ từ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương.

Đối với Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình, phân bổ vốn ngân sách trung ương của Tiểu dự án tối đa 25% cho các bộ, cơ quan trung ương; tối thiểu 75% cho các địa phương.

- Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030

Ngày 5/1/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

- Phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/1/2022 phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025.

Chương trình đặt mục tiêu đạt 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do UBND cấp xã tổ chức tại các thôn, tổ dân phố.

Đạt trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình; những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe phấn đấu đạt 95%; những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực phấn đấu đạt trên 80%.

- Củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 85/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình y tế trường học các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình).

Chương trình nhằm củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông (cơ sở giáo dục) gắn kết với hệ thống y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh (học sinh).

- Hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 127/QĐ-TTg ngày 24/1/2022 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, phạm vi hỗ trợ kinh phí các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022 - 2025 gồm:

- Kinh phí phát sinh tăng thêm theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và kinh phí thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

- Kinh phí phát sinh tăng thêm thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và có hiệu lực thi hành sau thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH (sau ngày 01/9/2021); trường hợp, các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành có quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thì thực hiện theo quy định đó.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2022

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2022

    18:34, 28/01/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022

    19:57, 27/01/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát bất cập, đề xuất sửa đổi Nghị định về định mức sử dụng xe ô tô

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát bất cập, đề xuất sửa đổi Nghị định về định mức sử dụng xe ô tô

    19:55, 27/01/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

    20:30, 26/01/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý nghiêm mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý nghiêm mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường

    20:25, 26/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ tháng 1/2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO